Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

KHI TA GIÀ.





Dù muốn hay không, mỗi người chúng ta đều già đi một chút sau từng ngày sống. Dù muốn hay không, mỗi người đều có lúc phải nghĩ tới tình trạng già đi của chính mình, vì già là một trong 4 nỗi khổ của nhân sinh (sinh-lão-bệnh-tử). Khi ta già đi thì sức khỏe giảm sút, thị giác kém dần, tóc bạc nhiều lên, sự lanh lợi tinh thần và của chân tay có phần nào bị hạn chế…nhưng chắc chắn suy tư sẽ chín chắn hơn: khôn chi trẻ, khỏe chi già!

            Điều đáng nói là tình trạng già tâm lý: có người khi tuổi thanh niên thì sống rất đẹp và gương mẫu, nhưng chưa được mấy tuổi đầu (U50) đã khiến người khác chịu hết nổi và đàn ông thường sớm biểu lộ là con người ích kỷ - bạo chúa : anh ta rơi vào tình trạng không muốn tiếp nhận những cái mới về kiến thức đạo - đời, tự cho mình là vẹn toàn về kinh tế - xã hội, tự hào mình biết nhiều thứ mà người khác không biết: quán nhậu, món nhậu và sành điệu trong những kiểu ăn chơi. Tuy vậy, họ chẳng bao giờ cầm lấy cuốn sách và cũng chẳng hề biết gì về vi tính. Nguồn tư liệu chính của cuộc đời họ chỉ là tivi và vài tờ báo lá cải nào đó: chừng đó thôi cũng đủ cho họ tự cao tự đại, dành hết quyền ăn nói của người khác. Sở thích chính của họ là ngồi tán phét và nhậu hằng ngày. Người ta càng già càng sợ bị mất thế đứng trong gia đình và xã hội, nên họ phải nói nhiều để phô trương quan điểm sống và tài nghệ riêng mình, họ sinh ra tật nói dai - nói dài để xử lý những chuyện hết sức là ‘vụn vặt’ trong đời sống: họ có mặt ở đâu là tạo nên sự căng thẳng và không ai chịu nổi: con cái xấu hổ vì có những ông bố như thế, còn bà vợ thì chịu tử đạo hằng ngày!

            Đừng tự đánh mất bản thân mình như thế. Ai cũng mến và yêu quý những người có kiến thức, sống giúp ích, biết nói và biết nghe, khiêm tốn làm việc bổn phận trong gia đình, biết nhạy cảm về cách cư xử của mình và cảm xúc của người chung quanh, yêu thương gia đình và người thân của mình. Cho dù bệnh tật, nhưng nếu ta giữ được nhân cách và đạo đức thì ta vẫn được người khác quý mến.

“Chúa Giêsu càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và đạo đức trước mặt Thiên Chúa và loài người”. Đó phải là mẫu gương cho mọi lứa tuổi phải bắt chước. Thân xác buộc phải già đi và không có thuốc chữa, nhưng điều quan trọng là phải giữ cho tâm hồn được trẻ trung: khả năng tiếp thu và khả năng hòa nhập. Muốn vậy phải có thói quen học hỏi không ngừng, có phương pháp tích lũy kiến thức: đừng cho rằng mình là con người lỡ thời về học vấn. Có câu danh ngôn nói rằng: ‘mình đứng thứ mấy khi học ở trường không quan trọng, điều quan trọng hơn bây giờ là mình phải là người ‘số một’ trong cuộc sống’. Phải có niềm tin như thế thì ta mới sống đẹp và thăng tiến được.

Tôi đã gặp một ông cụ 70 tuổi, hai ông bà đã lo xong gia đình cho các con, nên họ sống riêng với nhau. Tôi nghĩ cuộc sống của họ chẳng có gì phải học hỏi, họ đang sống những ngày cuối đời thôi mà. Một hôm ông cụ đưa tôi vào căn phòng ngủ vì trong đó có bàn để ông vẽ tranh: ông vẽ những ảnh Chúa – Mẹ và các Thánh. Ông tâm sự: vẽ cho trôi thời giờ, vừa vẽ vừa suy niệm! Ôi, thật là một khám phá bất ngờ: tranh ông vẽ chẳng chuyên nghiệp tí nào, chỉ để treo trong phòng ngủ của mình. Tôi nghĩ công việc vẽ tranh đã làm cho ông tiêu tốn nhiều công sức và thời giờ, nhưng là những giờ phút hạnh phúc vì ông làm việc trong an bình và trong nguyện cầu: đây là một cách giải trí lành mạnh và là một phương pháp giữ cho tâm hồn ông trẻ trung và đáng yêu.

Để giữ mãi được tuổi thanh xuân tâm hồn, bạn hãy tìm cho mình những cách giải trí và sinh hoạt tinh thần lành mạnh và hãy bước đi trong niềm an bình vì có Chúa Giêsu cùng đi với mình:

RA ĐI VỚI MẶT TRỜI TRONG TRÁI TIM.
RA ĐI NGƯỜI HÃY NHỚ MANG THEO TÌNH YÊU CHA…
NGUYỆN GIÊSU BAN ĐẦY ÂN PHÚC HẰNG DẪN LỐI TA:HÃY ĐI TRONG AN BÌNH!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét