Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

CHÚA GIÊSU CÓ THẬT KHÔNG?




           
Trên trang Dũng Lạc có giới thiệu 14 đàng Thánh giá bằng đồng, lớn hơn kích thước người thật, được trưng bày dọc theo đại lộ  dẫn vào quảng trường Thánh Phêrô, sẽ trưng đến ngày 29/4/ 2011 áp ngày phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II. Tôi gọi đứa con nhỏ 10 tuổi để nó cùng xem cho biết và tôi giới thiệu cho nó từng chặng một. Nó rất thích chặng thứ 6: bà Vêrônica trao khăn cho Chúa Giêsu lau mặt, tấm khăn có in hình khuôn mặt Chúa Giêsu…

Chợt nó hỏi: “chuyện Đức Giêsu có thật không?”- “Có thật chứ con, Chúa Giêsu là con người lịch sử được các sử gia Công Giáo và Roma ghi lại”, tôi chỉ trả lời được thế cho một đầu óc còn non nớt, nào đã biết đâu là giá trị lịch sử của Kinh Thánh, mạc khải và quy điển. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ: nhiều người trong chúng ta cũng không xác tín về con người lịch sử của Chúa Giêsu, dù họ không dám bác bỏ về những câu chuyện được Tin Mừng kể lại. Bởi vậy, Chúa luôn hỏi ta: “Còn con, con bảo Con Người là ai?”

Khi nói về mầu nhiệm Thập giá, chúng ta luôn được nghe: “Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, đã chịu nạn chịu chết trên Thập giá vì yêu ta”, hoặc Chúa đã yêu nhân loại bằng một tình yêu vô bờ bến, đến nỗi Người tự hiến mình đến chết – một cái chết trần trụi và tủi nhục, như lời Người đã phán trước: ”Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu”. Rất có thể đây chỉ là mớ trí thức mà ta có được qua những năm tháng sống đạo, cũng như những hiểu biết về những chân lý đạo của một đứa trẻ 10 tuổi – khi nó đã trải qua những năm học giáo lý, hiện đang theo học những lớp căn bản của Tài liệu Giáo lý phổ thông. Nó học biết Đức Giêsu và Đức Mẹ, cũng giống như học biết về lịch sử Việt Nam. Trong đầu óc nó đầy dẫy những chuyện thần kỳ của đủ loại phim hoạt hình và các em hầu như không biết điều gì là sự thật và điều gì là hư cấu…những kiến thức tôn giáo chỉ là lý thuyết để chúng trả bài trong các lớp giáo lý. Bởi đó, thật không đáng ngạc nhiên khi trẻ em đặt câu hỏi như trên. Các em chưa hiểu được: học giáo lý là để biết Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài, để rồi yêu mến và dấn bước theo Ngài.

Có một bài viết về mầu nhiệm Phục Sinh có nhấn mạnh đến ‘tình yêu là điều kiện cần thiết để nhận ra Đức Giêsu phục sinh’: Ông Phêrô và người môn đệ Chúa yêu cùng chạy đến mộ,  ông Phêrô vào mộ trước, thấy ngôi mộ trống, khăn liệm và vải quấn đầu để rất gọn gàng; nhưng ông vẫn chưa hiểu và chưa tin, nhưng khi ‘người môn đệ Chúa yêu’ cúi nhìn vào, ông thấy và ông đã tin ngay rằng Chúa đã phục sinh. Kẻ yêu mến Chúa nhiều sẽ dễ tin vào sự hiện diện và tình thương Ngài dành cho nhân loại; còn kẻ theo đuổi những ‘thần’ khác thì luôn nghi ngờ về Thiên Chúa, vì họ không thể làm tôi hai chủ được.

CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. ALLELUIAH, ALLELUIAH, ALLELUIAH. Có nghĩa là bây giờ Ngài đang sống trong chúng ta và giữa chúng ta. Không phải sau khi Phục sinh, Chúa chỉ hiện diện trong 40 ngày trên trần gian, rồi Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha và bây giờ Ngài đang chờ đến ngày lại đến lần thứ hai để phán xét thế giới này…điều này chỉ nói về cách thế hiện diện của Ngài thôi. Thực ra, Chúa Phục sinh vẫn đang sống (alive) trong lịch sử nhân loại, nên chúng ta không thể tìm Người giữa những kẻ chết, như một nhân vật lịch sử…mà phải tìm gặp Người trong từng ngày sống, trong phụng vụ được cử hành, vì tin là gặp gỡ Người ta tin. Gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh để được biến đổi không phải là một biến cố đột biến xảy ra một lần nào đó trong đời – mà là một nỗ lực liên lỷ qua từng ngày sống, con người phải chết đi cho tội để thuộc về Chúa nhiều hơn, để được Chúa thánh hóa hơn. Dù Thánh Phaolô đã trực tiếp gặp Đấng Phục Sinh trên đường Damas và cuộc sống của Thánh nhân đã trải qua một bước ngoặt vĩ đại, nhưng không thể nói là Ngài đã là thánh ngay từ phút giây đó, vì Ngài vẫn phải liên lỷ chiến đấu với những cám dỗ và những yếu hèn của thân xác hay chết.

Nếu nói về bằng chứng Chúa Phục sinh thì có thể nói ngôi mộ trống là rõ ràng nhất, thế nhưng nhiều người đồng thời với Chúa Giêsu vẫn phủ nhận sự kiện sống lại của Chúa vì họ cho rằng môn đệ ông ta đã đến lấy xác vào lúc họ đang ngủ! Còn lời chứng của  Kinh Thánh, của các tông đồ thì cũng chỉ đáng tin đối với một số người. Đã có một thời tôi vẫn nghĩ rằng ‘Giáo hội trường tồn’ là một bằng chứng hùng hồn về Chúa Phục sinh, nhưng nhìn ra thế giới nhiều tôn giáo như Hổi Giáo và Phật giáo cũng trường tồn không kém! Nhưng có một bằng chứng cũng khá hùng hồn là đời sống của nhiều chứng nhân Tin Mừng và của các vị Thánh. Có thể đan cử trước hết là 12 tông đồ và Thánh Phaolô: họ đã biến đổi hoàn toàn sau khi gặp gỡ Đấng Phục sinh. Họ không thể không nói điều mắt đã từng thấy, tai đã từng nghe và lòng từng cảm nghiệm; dù lời chứng của họ sẽ mang lại phiền phức và mất mạng. Trong suốt dòng lịch sử, Chúa Phục sinh vẫn hiện diện giữa nhân loại cho đến ngày tận thế. Có thể kể đến một vài vị Thánh như Charles de Foulcauld, Augustinô, Phanxicô Xaviê… họ đang đi theo con đường danh vọng và lạc thú, thì họ đã gặp Đấng Phục sinh và cuộc đời họ đã chuyển hướng – để được sống trong ân sủng.


Hãy tìm gặp Đấng Phục sinh để có cảm nghiệm của riêng mình, không phải chỉ là ngôi mộ trống và những cảm nghiệm của những bậc tiền nhân, vì Chúa Phục Sinh vẫn đang hiện diện giữa nhân loại, ngay trong thế kỷ 21 nầy! Hãy dùng đời sống để trả lời cho câu hỏi: “Chuyện Đức Giêsu năm xưa và hôm nay có thật không?”

ÔI GIÊSU HỠI NGUỒI LÀ AI - NGƯỜI LÀ AI GIỮA CUỘC ĐỜI NẦY ?





Chuyện đã xảy ra cách đây 2000 năm, ngay lúc Chúa sống lại, các lính canh hốt hoảng chạy về báo tin cho các thượng tế và ký lục hay biết sự thật. Họ liền nhất trí với nhau : lính canh nhận tiền thưởng và có nhiệm vụ phao tin là trong lúc họ đang ngủ thì môn đệ Giêsu đã đến lấy trộm xác. Thế là tin đó được loan đi...
Khoảng 30 năm sau, tức là khoảng năm 65, Tin Mừng Đức Giêsu – Đấng Cứu Thế được loan đi khá rộng rãi khắp miền Tiểu Á và sang tận Roma. Có nhiều kẻ đã tin vào Danh Đức Kitô, họ đã chịu phép rửa... Thế nhưng, chính Thánh Phaolô đã viết : « giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói với anh em : có nhiều người trong anh em sống thù nghịch với Thập Giá, đích cùng của họ là diệt vong , chúa tể của họ là cái bụng, vinh quang đặt nơi điều đáng xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều dưới đất (Philip 3,18).
Nhưng cũng vào thời điểm đó Thánh Phaolô có những tuyên bố đầy xác tín :VÌ CHÚNG TA, ĐỨC KITÔ ĐÃ VÂNG LỜI CHO ĐẾN CHẾT TRÊN THẬP GIÁ. “Trong khi người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan thì chúng tôi lại rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh: cớ vấp ngã cho người Do Thái, sự điên rồ với dân ngoại; nhưng với những ai được kêu gọi, cho dù Do Thái hay dân ngoại thì Đức Kitô vừa là quyền năng vừa là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cor 1,22-24). Cái chết của Chúa Kitô mang một tầm quan trọng hoàn vũ. “Một người đã chết vì mọi người”: cái chết của Chúa Giêsu mang lại một ý nghĩa mới cho cái chết của mỗi người dù nam hay nữ.


Trong cái nhìn của Thánh Phaolô, thập giá mang một chiều kích vũ trụ. Chúa Kitô đã phá đổ sự ngăn cách: hòa giải con người với Thiên Chúa và con người với nhau, Người đã tiêu diệt sự hận thù (Eph 2,14-16). Dựa vào đó, truyền thống sơ khai đã khám phá cây thập giá có chiều thẳng đứng nối trời với đất và chiều ngang nối mọi người thuộc mọi dân tộc. Hy tế thập giá là một biến cố vừa mang tính vũ trụ vừa mang tính cá nhân: “Ngài yêu tôi và phó nộp mình vì tôi” (Galat 2,20).Thánh Tông Đồ viết: “mỗi người đều được Chúa Kitô hiến thân cho” (Rom 14.15)


            Thánh Phaolô đã dựng cây thập giá lên ngay trung tâm của Giáo Hội, giống như cột buồm chính ở giữa con tàu. Thập giá là nền móng và đã trở nên tâm điểm của mọi giá trị và mọi sứ điệp Kitô giáo. Thời Thánh Phaolô viết các thư thì thập giá vẫn mang một ý nghĩa sỉ nhục khủng khiếp, điều mà một người có giáo dục không nên bàn luận tới. Vậy mà Thánh nhân đã mạnh dạn tuyên bố: “Phần tôi, ước gì tôi đừng vinh vang (nơi một điều gì), trừ phi là nơi Thập Giá Đức Kitô (Gal 6,14). (Tư liệu: bài chia sẻ thứ 6 tuần thánh của cha Cantalamessa. Ze090410)

            Bước qua thế kỷ 21, số người tin nhận Chúa Kitô khoảng 2 tỷ (1/4 dân số thế giới), nhưng thử hỏi họ ‘tin’ như thế nào ? Tại các nước Châu Âu, bao nhiêu phần trăm còn hành đạo và còn đến nhà thờ hàng tuần. Cách đây vài năm, các phương tiện xe cộ công cộng ở Luân Đôn và một số thành phố lớn Châu Âu đã treo biểu ngữ quảng cáo như sau :

"There's probably no God. Now stop worrying and enjoy your life”.
Điểm nhấn của biểu ngữ trên không phải nằm ở phần đầu, “không có Thiên Chúa », nhưng là ở phần sau: « hãy vui hưởng cuộc đời ». Điều họ muốn nói lên là: chính niềm tin vào Chúa ngăn cản ta vui hưởng cuộc sống; niềm tin là kẻ thù của hạnh phúc – Câu biểu ngữ trên có một điều không tương hợp: “Có lẽ Thiên Chúa không hiện hữu”. Như thế, vẫn có thể có Chúa, người ta không thể loại trừ hẳn khả năng vẫn có Chúa. Mà nếu không có Chúa thì tôi cũng chẳng mất gì cả, nhưng nếu ngược lại, nếu Chúa hiện hữu, thì anh bạn vô thần của tôi bị mất tất cả! Xin cảm ơn, vì nhờ câu biểu ngữ nầy mà nhiều lương tâm được thức tỉnh.
Ngay trong xứ đạo tôi, một xứ đạo toàn tòng - dân đạo gốc - con nhà gia giáo vẫn có những người ‘bỏ đạo’ vì quá đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái... Họ vẫn làm dấu khi ăn cơm, vẫn thúc giục vợ con đi lễ và ngắm nguyện, nhưng chính họ thì đã bỏ lễ và xưng tội lâu năm, vì không thể từ bỏ tội lỗi mà bước theo Chúa Kitô.
Người Công Giáo Việt Nam vẫn lấy làm khắc khoải khi không nâng tỷ lệ người có đạo (7%) lên được! Nhưng cũng thật đáng buồn khi thấy có nhiều người lại không sống đạo và nguội lạnh với nhà thờ. Ta nghe con số 7% thấy ít, nhưng nếu con cái mình đi học ở một trường nào đó ở thành phố, trong lớp 43 em thì chỉ có 3 em là có đạo, thì mới thấy lẻ loi (nhưng đúng là 7% dân số).


Chúng ta đã tuyên xưng: ĐỨC KITÔ ĐÃ CHẾT VÀ ĐÃ PHỤC SINH. ALLELUIAH!

Một nhà tu đức đã viết :
Nếu Đức Giêsu chỉ sinh ra tại Bêlem, chỉ sống tạị đất nước Do Thái, chỉ chịu chết trên đồi Calvê, và chỉ phục sinh trong lịch sử cách đây hơn 2000 năm, mà không sinh ra, sống, chịu chết và phục sinh ngay trong tâm hồn ta, tại đây và lúc này, thì tất cả những biến cố ấy của Ngài đều hoàn toàn vô ích đối với ta”.

Ở bất cứ thời nào và bất cứ ở đâu, luôn luôn vẫn có những người tin nhận Đức Kitô là cứu Chúa của mình, nhưng cũng có những người thấy rằng Chúa Kitô cản trở họ ‘sống vui vẻ, và có những người khác cho rằng tin vào Đức Kitô là một trỏ nhảm nhí.
ĐỨC KITÔ VẪN LÀ MỘT, HÔM QUA CŨNG NHƯ HÔM NAY.
NGÀI LÀ AI LÀ TÙY VIỆC LỰA CHỌN CỦA MỖI NGƯỜI.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Cái chết của Chúa Giêsu




Khi xem những thước phim diễn tả lại cuộc thương khó của Chúa chúng ta, rất ít người cảm động. Tại sao? – vì  ta nghĩ rằng những chuyện khi ấy không thật sự đúng như vậy, ta còn nghi ngờ tính cách lịch sử của nhân vật Giêsu, có khi ta lại còn nghi ngờ thiên tính của Con Thiên Chúa làm người, và có kẻ còn thầm cười nhạo Chúa là ‘con lừa’, là kẻ tự tử, là kẻ chẳng liên quan ruột thịt với mình và ta chẳng liên can gì đến cái chết đó.
Những suy nghĩ cuối cùng trên đây là của những đứa trẻ. Chúng nghĩ rằng một người quyền phép như Chúa Giêsu mà không tự giải cứu mình thì đúng là kẻ tự tử! Đầu óc trẻ con rất khó hiểu được những suy tư thần học: Thiên Chúa là tình yêu, Ngài tạo dựng vũ trụ và mọi hoạt động của Chúa là vì yêu thương con người, tổ tông loài người đã phạm tội nên lưu truyền hậu quả lại cho con cháu, Ngôi Hai đã nhập thể làm người và đã vâng lời cho đến chết là để cứu thoát nhân loại, nhờ cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu mà vũ trụ nầy được giải cứu- con người được trở thành con cái Thiên Chúa để được phúc trường sinh.
Ngay người lớn cũng nhạo cười thập giá, vì đó là một sự sỉ nhục và là một đề tài cấm kị của thế giới Hy Lạp và Roma. Có người đã vẽ một con lừa bị treo trên cây thập tự với ý đồ nhạo báng niềm tin Kitô. Con người luôn tìm mọi cách để xem có ‘người’ ở những hành tinh khác hay không, họ trích những đoạn đầu của sách Sáng Thế nói về việc tạo dựng trời đất muôn vật và con người để nói lên sự vô lý -phản khoa học của pho sách Kinh Thánh. Mục đích của những người trên đây là muốn chứng minh rằng: chẳng có vị Chúa nào trong công trình tạo dựng, chẳng có sự sa ngã nào và chẳng có Đấng Cứu Thế nào cả… mọi sự đều là trò giả dối của tôn giáo.
Đứng dưới chân thập giá ngày thứ 6 hôm ấy đã có những người lính thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin”. Người tử tội bên tay tả cũng mỉa mai: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy cứu mình và cứu chúng tôi nữa!”. Luôn luôn có những người nghi ngờ về sự hiện diện, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Người Kitô hữu luôn bị cám dỗ về niềm tin, nhất là trong cơn thử thách gian nan và khi sống chung đụng với những kẻ không tin. Giáo hội đã dành ra một năm để thúc giục con cái mình tự vấn về chính niềm tin của mình: tin vào ai? Tại sao tôi tin? Niềm tin đòi buộc tôi phải làm gì và những phương cách để củng cố niềm tin. Trong năm Đức Tin, mỗi người hãy tích cực học hỏi giáo lý của đạo và tích cực tham gia phụng vụ. Đó là chuyện bình thường như khi ta làm quen – tìm hiểu - tâm sự và gặp gỡ một người bạn khác phải…để sống và yêu thương mãi mãi.

Những lúc có nghi nan, ta hãy nhìn xem vũ trụ mênh mông mà vẫn có trật tự hài hòa, quả địa cầu nơi ta sinh sống có sự hài hòa giữa đất, nước, khí trời và ánh sáng, thân xác con người tuy là bụi đất mà vẫn được tạo thành một cách hoàn hảo tuyệt vời. Tất cả vạn vật và vũ trụ nói với ta rằng: phải có một Đấng dựng nên và điều hành. Sách GLHTCG còn cho ta biết lý do của công cuộc tạo dựng là để bày tỏ tình yêu, Thiên Chúa sau khi tạo dựng không để vạn vật tự vận hành theo quy trình- nhưng vẫn không ngừng chăm sóc và an bài để dẫn đưa vạn vật tới cánh chung.
Chỉ khi hiểu được rằng Thiên Chúa là người Cha nhân lành luôn hành động vì yêu thương, chỉ khi tin rằng Lời được mạc khải trong Kinh Thánh là lời chân thật và đáng tin, và chỉ khi tin Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể - đã tự hiến vì tình yêu để dẫn đưa nhân loại đến cứu cánh tốt đẹp…thì ta mới xúc động thực sự khi suy niệm cuộc thương khó Chúa – với lòng yêu mến thiết tha và ăn năn sám hối tội mình đã phạm.

NGƯỜI YÊU THƯƠNG HỌ ĐẾN CÙNG




Chúa Giêsu biết đã đến giờ phải từ bỏ thế gian, Người vẫn yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ cho đến cùng (Ga 13,1). Đây là phần mở đầu cho một câu chuyện, nó làm ta liên tưởng đến ‘bí kíp tông truyền’ mà nhân vật Hoắc Nguyên Giáp đã học được khi trở thành thành viên của môn phái Hoắc Gia Quyền, chiêu thức nầy được vẽ ở những trang cuối cùng – chỉ truyền lại cho người kế nghiệp - đọc xong phải quên và luyện trong phòng tối – chỉ dùng khi cần kíp… (Phim được VTV3 trình chiếu năm 2012).

Bối cảnh lịch sử Trung Quốc thời ấy rất nhiễu nhương: không có sự thống nhất giữa các môn phái võ thuật nên bị sự quấy nhiễu của những thế lực nước ngoài như Nhật Bản và Liên Xô. Võ thuật Trung Quốc không mạnh lên được vì không ai phục quyền ai, hằng năm vẫn có những cuộc tỷ thí võ thuật để dành cho được danh hiệu chính tông, và liên miên những cuộc trả thù, ai cũng dấu biệt những bửu bối của môn võ mình để thủ thân, nhiều cao thủ đã mai danh ẩn tích vì không muốn chứng kiến những cảnh tương tàn. Hoắc Nguyên Giáp (nhân vật chính và cũng là tên bộ phim) đã học được một số bí kíp với một sư phụ bí ẩn nào đó và càng xuất chúng hơn khi tiếp thu thêm 3 độc chiêu của Hoắc Gia Quyền. Mộng ước cuộc đời của Giáp là làm vẻ vang đất nước bằng phát triển võ thuật, khuyến khích các môn phái truyền bá tinh túy của mình càng nhiều càng tốt, đừng giết hại đồng bào mình – tốt hơn là nên chứng tỏ sức mạnh của đất nước mình khiến ngoại xâm phải nể phục.

Ngày thứ năm Tuần Thánh xảy ra nhiều sự kiện ‘mầu nhiệm’ mà trí óc con người phải nghiền ngẫm suy tôn và Thánh linh không ngừng soi sáng để mãi mãi con người phải cảm mến: Chúa lập bí tích Thánh Thể, Chúa thiết lập chức linh mục, Chúa rửa chân cho các môn đệ, những câu chuyện trăn trối khi dùng tiệc, Chúa cầu nguyện và bị bắt trong vườn tiệc ly, các môn đệ bỏ trốn… Đúng là quá nhiều đề tài để ta suy gẫm trong giờ canh thức. Nhưng đọc kỹ lại Tin Mừng Thánh Gioan 13,1-15 ta nhận ra ‘việc Chúa rửa chân cho các môn đệ với lời căn dặn anh em cũng hãy rửa chân cho nhau’ mới là món bửu bối vậy.


Hành động quỳ xuống rửa chân cho từng người môn đệ đã làm cho các ông bối rối vì nó vượt quá sự tưởng tượng của con người. Bàn chân là chỗ thấp nhất của cơ thể và là chỗ dễ bẩn nhất, việc rửa chân cho khách là một hành động tôn kính và chỉ dành cho người giúp việc trong nhà, muốn rửa chân cho ai thì phải quỳ xuống mới rửa được… Ấy vậy mà Chúa Giêsu đã đổ nước vào thau, rửa chân trước hết cho ông Phêrô và các môn đệ khác, lấy thắt lưng mà lau: Chúa làm rất cẩn thật và thật tình chứ không phải chiếu lệ, tượng trưng.


“Các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” muôn đời phải là bửu bối cho Giáo hội. Những lúc nhân loại càng chạy theo đàng tội, đời sống luân lý bị tụt dốc, đạo Chúa bị tẩy chay tại nhiều nơi trên thế giới, việc truyền giáo đình trệ, giá trị gia đình bị lung lay, ơn gọi tu trì sút giảm… hãy đem bửu bối Chúa để lại hôm nao ra mà dùng thì chắc chắn linh nghiệm không ngờ! Nếu trong cuộc sống, mỗi người biết hạ mình xuống và biết nhìn thấy Chúa Giêsu trá hình trong anh em, thì chắc chắn ‘hữu xạ tự nhiên hương’: khuôn mặt vui tươi thánh thiện của Giáo hội sẽ cuốn hút muôn vàn ong và bướm đến với mình.

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Sứ vụ linh mục




Ngày 10.12.2012, thầy phó tế Nguyễn Khắc Dương, một người khiếm thị thuộc giáo hội miền Bắc, được lãnh chức linh mục trong một ngôi nhà nguyện nhỏ. Đây là một sự kiện nhỏ nhưng lại gợi cho ta suy nghĩ về bản chất của người linh mục. Thầy Dương bị khiếm thị do bệnh tật khi đang học trong chủng viện.
Nhiều người nghĩ linh mục phải là con người toàn vẹn về thể xác và tinh thần, vì đó là những điều kiện cần thiết để làm công tác tông đồ. Nhưng qua sự kiện một người khiếm thị được lãnh chức thánh, ta nhớ lại Giáo luật chỉ cấm truyền chức cho người bị tâm thần và ta biết được chức linh mục còn có một cái gì đó cao cả hơn là những hoạt động mục vụ, vì nếu nói về hoạt động và làm các bí tích thì quả thực người linh mục khiếm thị trên đây rất hạn chế. Sự bất toàn thể lý nói với chúng ta rằng hoạt động của linh mục chỉ là một khía cạnh và sự cộng tác của con người chỉ là thứ yếu so với tác động của ơn Thánh. Nhiều người có nhận xét rằng những linh mục toàn vẹn thường trở nên vô dụng trước mặt Chúa.
Người ta thường đánh giá thành công của một linh mục nói riêng và một con người nói chung qua những công việc họ làm: xây dựng công trình, thành tích đạo đời. Nhưng di chúc của Chúa Giêsu chỉ là rửa chân cho nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng rửa chân cho các cô gái điếm khi còn là Tổng Giám Mục và năm nay ngài sẽ cử hành nghi thức đó trong trại tù. Nhưng ước gì mỗi người linh mục thừa tác và linh mục cộng đồng (tín hữu) thực hành việc rửa chân cho anh em qua lối sống của chính minh, đừng xem việc rửa chân trong phụng vụ chỉ là nghi thức! 

Có một thực tế là vào giai đoạn cuối đời, các linh mục thường trở về nhà hưu dưỡng của Giáo phận, phải nhờ cậy sự giúp đỡ của một người khác để tồn tại và cuộc sống xem chừng như vô nghĩa. Có những vị nằm im như khúc gỗ cả năm trời, có vị khác thì ngồi trên xe lăn. Tuy vậy, bản chất linh mục nơi các vị ấy vẫn nguyên vẹn, vì linh mục còn có một khía cạnh nữa là hiến tế. Cả cuộc đời linh mục là một hiến tế: trong công tác mục vụ, cử hành bí tích, trọn vẹn cuộc sống và ngay cả trên giường bệnh. 

Điều đó cũng áp dụng cho mọi Kitô hữu đã chịu phép rửa tội, vì học cũng được tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô: “Dù anh em ăn, dù anh em uống, dù anh em làm gì đi nữa thì hãy làm vì Danh Chúa Giêsu Kitô” và một câu khác “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Hãy cầu nguyện nhiều cho các linh mục biết cậy dựa vào ơn Chúa trong hoạt động và tự thánh hóa mình trở nên một hiến lễ tinh tuyền cho Thiên Chúa, để luôn  biết rửa chân cho anh em.
(Viết theo bài giảng của cha Phaolô Nguyễn Công Minh. Ngày 28.3.2013)

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

SỐNG TÍCH CỰC



Đọc sách nói về nghệ thuật sống, ai trong chúng ta cũng biết giá trị của nụ cười, của những suy nghĩ tích cực: chúng làm cho ta yêu đời, thêm nghị lực để vượt những trở ngại, chúng làm cho máu huyết lưu thông và tăng cường sức khỏe vì ăn ngon ngủ yên…


Thế nhưng để luôn duy trì những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống không phải là một điều dễ dàng, nó đòi hỏi ta phải tư duy, động não và chọn lựa. Xin đem ra vài ví dụ:


Có những lúc ta cảm thấy bổn phận hằng ngày ở công sở cũng như ở gia đình sao mà ngán thể! Tự nhiên ta cảm thấy uể oải và nặng nề (Đó là cảm giác tiêu cực); Muốn lấy lại sự quân bình, ta cần xin ơn Chúa giúp ta ý thức được rằng việc bổn phận hằng ngày là cơ hội giúp ta nên Thánh, để ta rèn luyện bản thân và để ta thể hiện tình yêu với những người thân và đồng loại. Có những ngày tháng trải qua hoạn nạn, bệnh tật nhưng có khi đây lại là cơ hội tốt để cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho mình, cho mình có cơ hội nhìn lại cuộc đời và được hiệp thông với Chúa.

Bước qua tuổi 40-50, ai cũng cảm thấy gần đất xa trời, tự cảm thấy sức khỏe vơi dần, kém nhớ, kém nhìn… Có người nhìn đống sách vở mà ngán và rút ra kết luận: Thôi đọc làm gì nữa, học có mục đích gì nữa đâu, mình sắp trở thành đồ cổ rồi……Nhưng , người lạc quan lại nghĩ khác: Học không bao giờ cùng và không bao giờ thừa. Trí óc con người cũng như thân xác, nếu không rèn luyện sẽ tàn lụi nhanh chóng, các neuron sẽ teo lại, hãy noi gương các bậc vĩ nhân: có vị 60 tuổi còn bắt đầu học thêm sinh ngữ mới. Hãy học cho đời ta thêm phong phú, hãy học để có cái gì đó chia sẻ cho anh em, hãy học để thêm tự tin và hãy học để nêu gương cho người trẻ.

Có người được chọn làm công tác tông đồ, mục vụ trong giáo xứ. Nhưng trong thâm tâm, họ cảm thấy như một cục nợ, gặp ai là họ than thở-kể công.. nghe mà thấy tội cho họ vì họ kéo lê gánh nặng một cách khó nhọc. Lại có kẻ cất bước theo Thầy Giêsu để sống đời tu trì, được hưởng lợi gấp trăm ở đời nầy và đời sau; vậy mà nếu gặp họ chỉ thấy họ than thở đến phát khiếp, đến nỗi nhiều cha mẹ không còn dám cho con đi tu. Đúng ra được chọn làm HĐGX hay giữ chức vụ gì trong tập thể, tuy là làm không lương nhưng phải coi đó là cơ hội để thăng tiến, để phục vụ, để làm cho đời mình có ý nghĩa. Hãy nghĩ rằng dân bầu là Chúa chọn, hãy cho một cách vui vẻ thì Chúa mới nhận.Hãy làm việc cho Chúa, hãy bước theo Thầy cách phấn khởi và tự thoát, có vậy người khác mới nhìn mà thèm!

Công việc làm ăn có khi ách tắc, nhiều kẻ buông xuôi cho thời cuộc, tìm quên trong ly rượu dầm dề, vợ con muốn ra sao thì ra. Người có tư tưởng tích cực không chịu như thế, thua keo nầy ta bày keo khác, ta đi học hỏi, ta hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được nút gỡ. Người đó vừa tin tưởng nơi cha nhân từ, vừa nỗ lực, họ luôn chứng tỏ tình yêu – trách nhiệm với gia đình và tình yêu trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày.

Trong đời sống hôn nhân gia đình, nếu ta chỉ biết chờ đợi, đòi hỏi người kia phải làm gì cho ta, thì tự nhiên cuộc sống gia đình sẽ rất nặng nề vì lúc đó tính ích kỷ đang ngự trị. Trái lại nếu ta biết mang đỡ gánh nặng cho nhau, biết đi bước trước trong sự phục vụ thì bầu khí gia đình sẽ thuận hòa vì có tình yêu Giêsu ngự trị, và chắc chắn những người kia không để ta phục vụ một mình đâu!

Nói tóm lại, muốn lạc quan ta phải tin rằng Chúa luôn đồng hành với ta và Chúa ban cho ta đủ ơn, đủ sức để đi đến cùng đường, hoàn thành vận mạng cuộc đời mình.



NHỮNG TIẾNG CHUÔNG BÁO TỬ




Ngày xưa, nhiều xứ đạo có thói quen giật chuông báo tử khi có người tín hữu qua đời. Những tiếng chuông trầm buồn vang lên trong những giờ khắc ngoại lệ trong ngày mang thật nhiều ý nghĩa. Trước hết đó là sự đồng cảm cho cuộc chia ly với một người anh em đã từng chung sống với mình trong Giáo hội địa phương: nếu 7 tiếng là nam và 9 tiếng là nữ; ai nấy cùng hiệp thông dâng lời cầu nguyện tha thiết cho linh hồn vừa qua đời được hưởng lòng thương xót Chúa; tiếng chuông báo tử cũng muốn nói với những người đang sống rằng: cuộc sống nơi trần gian của mỗi người rồi cũng có ngày chấm dứt. Không biết từ bao giờ, tiếng chuông báo tử đã không còn ngân vang từ nóc giáo đường nữa, việc ra đi khỏi trần gian của ai đó trở thành biến cố của riêng gia đình họ và tiếng nói của hiệp thông trong xứ đạo phần nào đó cũng yếu đi ...

Tôi muốn dùng hình ảnh ‘tiếng chuông báo tử’ của đời thường để nói lên những cảnh báo mang mầm chết chóc cho đời sống tâm linh:

Vấn đề giáo dục con cái. Là những người cha mẹ Kitô giáo, chúng ta có thể nghiệm ra rằng: sinh con và nuôi con dễ hơn là giáo dục chúng. Xã hội Việt Nam đang chao đảo với lối sống của tây phương tràn vào: gia đình lung lay, khuynh hướng hưởng thụ, chạy theo đồng tiền, lối sống buông thả, giáo dục học đường chỉ nặng truyền thụ kiến thức hơn là dạy nhân cách… thật khó để dạy con cái sống cho ra con người và cho ra người con Chúa. Ở các xứ đạo, đa số các em học giáo lý để lãnh bí tích Thánh Thể và Thêm sức, còn sau đó học để đối phó, kiến thức thu nhận chẳng được bao nhiêu! Tuổi trẻ Việt Nam được báo động là sống không rõ mục đích cuộc sống: con người từ đâu mà có, sống để làm gì và sẽ đi về đâu?


Từ ngày 17 đến 23-3-2009, Đức Thánh Cha Benêdictô 16 đã viếng thăm 2 nước Camerun và Angola ở châu phi, là một đại lục bị hoành hành bởi nạn dịch Sida. Ngài không nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội của Châu Phi, mà để nói với Châu Phi về Ðức Kitô và Tin Mừng của Người. Thế nhưng, các phương tiện truyền thông của phương Tây chủ yếu tập trung vào câu nói của Ðức Giáo hoàng: "Chúng ta không thể thắng được cơn dịch này chỉ bằng việc phân phát bao cao su. Ngược lại, nó còn làm cho vấn đề trầm trọng thêm, mà phải thay đổi lối sống: khiết tịnh trước hôn nhân và chung thủy trong hôn nhân". Với tình hình Việt Nam được xếp vào một trong ba nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, cảnh sống chung bừa bãi tại các thành phố lớn, nhiều người mang mầm bệnh vẫn hành nghề mại dâm để lấy tiền chữa bệnh… liệu trong 5-10 năm tới, một cơn đại dịch AIDS có hoành hành trên đất nước chúng ta, trong đó có nhiều ca nhiễm thụ động do chồng hay vợ mang về nhà hoặc do những dụng cụ y tế làm lây lan mầm bệnh?

Tiếng chuông báo tử mang một chiều kích cộng đồng và tương ái. Tiếng chuông báo tử về một lối sống buông thả - không được định hướng tốt và của một cơn đại dịch Aids còn mang một chiều kích xã hội trầm trọng hơn nhiều, vì nó như những ngọn sóng âm thầm ngày đêm đánh đổ lương tâm của các thế hệ trẻ, tàn phá các gia đình và suy nhược biết bao tâm hồn – trong đó có thể là những người thân cận của chính ta.

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

SỰ DỐI TRÁ ĐANG LAN TRÀN





Có một điều rất dễ nhận thấy là sự dối trá đang lan tràn trong xã hội ta đang sống. Đó có thể coi là dấu hiệu của một nền đạo đức suy đồi. Ngay từ học đường và ngay trong đời thường, trẻ em nghiệm  ra rằng: dối trá là con đường tắt để đạt được một mục đích nào đó, vừa hiệu quả mà lại khỏe re.


Ngày xưa, khi ai ai cũng chăm chỉ làm việc, nhà cửa nhà nào cũng không cần phải đóng cửa cài then – nhất là những người dân tộc thiểu số thì lại càng ‘thật’ như đinh đóng cột, nhưng ngày nay mọi sự đã đổi khác! Một đứa trẻ lớp 4, nằm trong đội tuyển của trường đi thi học sinh giỏi, được cô giáo vẽ đường: khi đi thi phải mang điện thoại, nhớ tắt chuông và cứ nhắn tin cho cô. Đối với một đứa trẻ tâm hồn đang trong trắng rất dễ bị sốc khi lần đầu nghe biết chuyện nầy và cả những chuyện thiên vị của thầy cô… Ngày xưa, Chúa Giêsu đã dạy: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt dối trá là con đẻ của ma quỷ”. Và Chúa cũng từng nói: “Từ khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng một người nam và một người nữ; điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. Thế nhưng, cuộc sống ngày hôm nay đã đổi khác rất nhiều: sự dối trá dường như đang thắng thế, vợ chồng thường có những bí mật không muốn người kia biết.

Đành rằng người khôn ngoan phải biết nói điều nên nói, nhưng luật luân lý của Giáo hội không cho phép ta nói dối, vì đó là con đẻ của ma quỷ. Bởi đó, ta chỉ được phép nói tránh mà không được nói dối. Tôi đang ngồi nói chuyện với một người bạn, anh ta có một cuộc gọi điện thoại… và anh ta trả lời tỉnh bơ: “bây giờ mình đang đi Bmt, lúc nào đó sẽ gọi lại”. Tại sao anh ta không thật thà hơn trong lời nói, thiếu gì cách để hoãn lại cuộc điện thoại đó – mà không phải nói sai sự thật!. Và nếu người cha ấy chỉ nói một lần ‘tréo cẳng ngỗng’ như vậy trước mặt đứa con nít, thì nó sẽ thấy ngay đây là một tuyệt chiêu mà nó phải nhanh chóng thu nạp để tồn tại trên đời, nó sẽ dùng ngay chiêu nầy để đối phó với chính cha nó và nó sẽ rất khoái trá - tự hào rằng mình rất thông minh, lanh lợi! Người bạn ấy đã tự hạ giá mình khi dối trá trong lời nói, đã đánh mất sự kính trọng và tin tưởng của người nghe.

Trong gia đình tôi vẫn thường xảy ra những chuyện dối trá. Khi có vật gì đó bị bể, mặc dầu vợ chồng tôi thường không đánh đập hoặc nặng lời với con cái khi chúng lỡ tay, vậy mà chẳng có đứa nào nhận lỗi về mình cả, tôi thường cười bảo: “Muốn tìm ra sự thật, phải nhờ đến ‘bộ nội vụ’ để điều tra”. Có lẽ con cái tôi đã học được và đã thấm nhuần sự dối trá như quy luật tất yếu để tồn tại, mặc dầu gia đình vẫn dạy chúng: “Dối trá là hèn nhát, con cái Chúa phải sống cho thật thà”.

Lời Chúa đáng cho ta nghiền ngẫm: “Khốn cho kẻ làm cớ vấp phạm cho một trẻ nhỏ, thà cột cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn”. Đừng bao giờ nói sai sự thật bạn nhé.

SỨ ĐIỆP KITÔ GIÁO





Đã nhiều lần Chúa Giêsu đã nói đến một sứ điệp lớn của Kitô giáo: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị giết và sẽ sống lại. Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Lần đầu tiên nghe sứ điệp nầy, các môn đệ và đặc biệt là ông Phêrô đã bị sốc: “Xin Chúa thương đừng để Thầy phải chịu chuyện ấy”. Những lần về sau, các ông dường như không muốn hiểu Thầy mình đang nói về chuyện gì đó khó hiểu và xa rời thực tế.

Quả thực, trong 3 năm giảng đạo, có lúc Chúa cũng bị từ chối, nhưng hầu như ánh hào quang luôn bào trùm Chúa và các môn đệ: đám đông từ khắp nơi tìm đến để nghe lời Chúa giảng, bao nhiêu phép lạ cả thể đã xảy ra một cách nhãn tiền, đã có những âm mưu tôn Ngài lên làm vua, và các ông mải dệt mộng đời mình cho một tương lai sáng lạng… Đúng là họ gặp may khi đi theo Thầy Giêsu. Vào thời ấy, thập giá là một nỗi ô nhục đối với người Do Thái. Hãy thử nghĩ mà xem: nếu chết bệnh hay tai nạn còn đỡ đau thương và nhục nhã hơn là chịu đau khổ và hành hạ, bị bêu nhục, bị phơi thây trần trụi như Thầy đã tiên báo. Thánh Phaolô đã diễn tả: “Đức Kitô, tuy là phận Thiên Chúa, đã mặc lốt phàm nhân, còn hạ mình hơn nữa mà vâng phục đến chết, và là cái chết của thập giá” (Philip 2,8).

Thập giá đời ta là kiếp nhân sinh mà ta đang trải qua với sinh, lão, bệnh, tử và cũng là những thứ Chúa gửi đến cho ta: những hiểu lầm đố kỵ do người khác gây ra và những thử thách ta gặp trên đời. Có một thực tế là đôi khi ta không muốn vác thập giá của chính mình và đổ cho người khác vác! Đó là khi ta cứ chọn việc nhẹ nhàng cho mình, muốn giành phần thắng trong cuộc đôi co với người hàng xóm, vứt xác súc vật sang thổ cư người khác hoặc đạp những bao rác nhà mình xuống bên vệ đường, vợ chồng đùn đẩy việc nặng nhọc cho nhau. Nhiều khi chúng ta gắng sức vác thập giá mình hằng ngày mà không không đặt tình yêu vào trong đó. Hãy biết rằng không phải những khổ nhục Chúa Giêsu trải qua làm nên giá trị cứu chuộc mà chính là nhờ tình yêu Chúa đặt trong đó. Sách tu đức dạy rằng: bạn đừng xét xem Chúa làm gì để yêu ta nhưng hãy nghĩ tới việc Chúa yêu ta biết bao khi trải qua những cực hình thập giá.

Như Môisen đã treo con rắn đồng nơi hoang địa để chữa lành những ai nhìn lên nó, Con Người sẽ bị treo lên như vậy,đó dường như là một sự thật tất yếu của kế hoạch cứu độ: THẬP GIÁ LÀ QUYỀN NĂNG CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA. Điều nầy được chính lịch sử chứng minh: những lúc Giáo hội trải qua những bắt bớ và khổ nạn chính là những lúc Giáo hội trở nên vững mạnh trong Đức tin và có đông người gia nhập đạo; những nơi và những lúc được hưởng sự dễ dãi thì dường như Giáo hội có nguy cơ tàn lụi hơn bao giờ hết. Đúng là sử gia Tertulianô nói một câu bất hủ: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh người Kitô hữu”. Sứ điệp Kitô giáo còn được chứng minh qua cuộc sống của mỗi người: chính lúc biết chấp nhận chết đi cho những đam mê trần tục thì linh hồn ta mới được siêu thoát; còn ngược lại nếu ta vùi đắm đời mình trong lạc thú và lạm dụng tự do quá trớn thì tâm hồn ta trở nên nặng nề - xa cách Chúa ngàn trùng, và như Lời Chúa nói: “Ai mất mạng sống mình vì Thầy ở đời nầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy cho cuộc sống vĩnh cửu”.

Lạy Chúa, ngày xưa cũng như hôm nay, không ai muốn chọn cho mình một thập giá nặng cả; vì dầu sao một cuộc đời được danh giá, thành đạt, bình an và khỏe mạnh… vẫn là dấu hiệu được Chúa thương. Thế nhưng, Con Một Chúa đã trải qua thập giá và đã trở nên căn nguyên ơn cứu rỗi cho muôn người. Và thập giá không miễn trừ cho một ai, nếu muốn làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con vui lòng vác thập giá đời mình, vì như thế thì thập giá sẽ nhẹ nhàng hơn là kéo lê và vì biết rằng Chúa cùng vác với con, nên con không xiêu té và vấp ngã.

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

PHỤC VỤ




Cứ mỗi lần chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới của các đoàn thể trong đạo là mỗi lần ta có dịp nghiền ngẫm kỹ hơn hai chữ phục vụ.

Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa có kể lại: Có một lần gặp gỡ cán bộ Nhà Nước, họ lấy làm lạ là các giáo xứ đều có các ca đoàn phục vụ, một số xứ còn có cả đội kèn nữa. Nếu bên Nhà Nước, muốn duy trì một đội kèn thì rất tốn kém, vì hằng tháng phải trả lương tương xứng… Còn bên đạo mọi sự đều là phục vụ! Mỗi dịp xuân về, huyện nhà thường tổ chức một đêm văn nghệ, và họ trả tiền cho mỗi tiết mục ngay sau khi biểu diễn xong, rất sòng phẳng.Tâm thức vụ lợi đã ăn rễ sâu vào trong tâm khảm từng người, nên khi nói đến việc bầu chọn người phục vụ tập thể, người ta thường muốn nghỉ khi đã hết một vài nhiệm kỳ, với những lý do: đã hết sáng kiến, vì sức khỏe, vì kinh tế, vì không có bằng cấp… nên bầu những nhân sự mới, trẻ, có kiến thức. Thoạt nghe thì có lý, nhưng nhìn kỹ vào lòng mình, ta sẽ nhận ra một sự thật là lòng ta đã chùng xuống trên con đường phục vụ, vì ngại mất giờ - mất tự do. Thật mất tinh thần khi chứng kiến cuộc vận động ngược ‘đừng bầu cho tôi’ và những lời thoái thác. Ngày xưa, khi Chúa gọi ông Moisen, ông Giona, ông Giêrêmia thì các vị đều nêu lên nhiều lý do để từ chối, nhưng rồi Chúa đã hành động qua họ và họ trở nên một dụng cụ hữu dụng để lãnh đạo dân Chúa. Hãy học nơi Chúa Giêsu để thưa tiếng ‘có’ với kế hoạch của Thiên Chúa, tạo lập một sự hài hòa giữa tự do con người với ý muốn của Chúa.

Ai đó đã nói: “Sự cho đi tiền bạc chưa là gì so với cho đi thời giờ và sực lực, vì tiền bạc không phải là chính ta; niềm tin được thể hiện qua sự quảng đại phục vụ cộng đoàn”. Đức Thánh Cha Benêdictô 16 ca tụng những người thiện nguyện trong chuyến viếng thăm Phi châu, vì họ phục vụ không vì tiền bạc, không vì để được phần thưởng nước trời mà là vì tình yêu Chúa thúc đẩy. Trong đạo Kitô có những từ rất căn bản, chỉ có thể hiểu được qua những cảm nghiệm riêng từ cuộc sống: Thập giá, Thánh Thể, Phục vụ; và có thể nói: ai cảm nghiệm được những thực tại trên thì đã có một bước tiến đáng kể trong đường tu đức. Đạo Kitô là đạo của tình yêu, con đường tu đức của đạo là phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân theo gương Đức Kitô. Khi phục vụ tha nhân, ta lại gặp gỡ chính Chúa trong họ: chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh.

Đành rằng ai cũng hiểu cần phải chọn những người trẻ và có trình độ thì tập thể và giáo xứ mới tiến xa được, nhưng tôi thiển nghĩ trong đạo Kitô ‘đức’ quan trọng hơn ‘tài’. Vì người lãnh đạo cộng đoàn (người giáo lý viên) phải phản chiếu những nhân đức để người khác noi theo, phải có niềm tin và nhiệt tình. Mỗi người là dụng cụ Chúa dùng, đừng chờ có đủ điều kiện như kinh tế, sức khỏe, trình độ... mới phục vụ, vì có nhiều người mãi chờ cơ hội nên chẳng bao giờ đóng góp sức mình cho cộng đoàn. Ngày xưa Chúa chọn 12 tông đồ, Chúa cũng không coi trọng tài năng cho bằng sự nhiệt tình. Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã nói: “Quả thật, được người khác tín nhiệm không dễ đâu, nên khi được bầu chọn thì anh em hãy vui mừng vì được phục vụ, còn mọi sự khác cứ để Chúa lo”.

Đàn chim di trú luôn bay theo đội hình chữ V ngược, với đội hình nầy con đầu đàn rất mệt vì phải tự mình đập cánh để bay, còn các con khác tận dụng được áp suất không khí đẩy từ dưới lên nhờ sự đập của con đầu đàn và chúng kêu lên những tiếng kêu quang quác để cổ vũ cho con đầu đàn được mạnh sức. Khi con đầu đàn khá mệt, nó lùi lại phía sau và ngay lập tức một con khác liền thế vào vị trí đó, không phải bàn cãi và không bao giờ thiếu con chim tình nguyện. Thế đó, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã có một câu hát rất chí lý: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Hãy biết rằng chỉ khi phục vụ, con người mới có niềm vui thực sự và “hãy biết chọn Chúa chứ không phải công việc của Chúa” (ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận).

ĐI TÌM DẤU LẠ.





            Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, nhiều lần Chúa phải cảnh tỉnh dân chúng bởi họ tìm Chúa chỉ vì được chứng kiến nhiều dấu lạ.
Có thể Chúa xuất hiện dưới mắt họ là một Đấng Messia – Đấng giải phóng dân tộc, vì khi Đấng Thiên Sai đến thì “kẻ mù được thấy, người điếc được nghe, người câm nói được và người nghèo được nghe giảng Tin Mừng” (Isaia 61,1…); hay ít ra Chúa cũng là Đấng mang lại ‘lợi lộc’ vật chất – với tài chữa bệnh tức khắc mà lại không tốn kém tiền bạc… vì thế, họ muốn giữ Chúa lại cho riêng làng mình! Nhưng càng về những giai đoạn cuối của cuộc đời công khai, thì hình như Chúa ít làm những dấu lạ hơn, mà càng ngày càng tỏ lộ mình là một người ‘tôi tớ đau khổ’ của Yavê: “Con Người sẽ bị nộp, bị giết và sẽ sống lại vào ngày thứ ba” .

            Đọc lại sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy Giáo hội lúc khởi đầu cũng đầy những dấu lạ nơi các tông đồ: người què đi được, người chết sống lại và cả đám đông dân chúng vâng phục đức tin. Nhưng càng về cuối đời thì hình như các Tông Đồ không còn làm được những dấu lạ nữa, họ cũng bị tống ngục và bị giết chết vì Đạo Chúa…

            Đạo là đường, là lối đi dẫn ta đến một nơi nào đó. Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. Khởi đầu Chúa đi rao giảng Tin Mừng và lúc sơ khai của Giáo Hội, Chúa làm nhiều ‘sự lạ’ vì điều đó là cần thiết để cho niềm tin được khai sinh, để rồi từ đó dẫn người ta đến điểm cốt lõi của đạo là ‘nghe và thực hành Lời Chúa – là bước theo Chúa Giêsu’ (suy nghĩ, sống và hành động như Ngài). Thật đáng tiếc là nhiều người Do Thái dù chứng kiến bao phép lạ Chúa làm nhưng niềm tin vào Ngài cũng không phát sinh và cũng thật đáng tiếc là nhiều người theo Chúa vì những sự lạ, nhưng khi Chúa mạc khải những điểm cốt lõi về đạo: “Ta với Cha là một. Ta là Bánh Hằng Sống bởi trời xuống. Ai Theo Ta hãy từ bỏ mình. Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho kẻ ghét mình. Phúc cho kẻ nghèo – kẻ hiền – kẻ bị bắt bớ…” thì họ bỏ Chúa vì họ không muốn nghe và theo vết chân Chúa Giêsu.

            Trong bất cứ thời đại nào, dấu lạ vẫn xảy ra khi cần thiết. Chúng ta có thể kể đến những phép lạ về bí tích Thánh Thể, những trường hợp trừ quỷ, Đức Mẹ Fatima, những trường hợp khỏi bệnh hay được ơn nhờ sự cầu xin của những người đạo đức hay khi đi hành hương La Vang… Nhiều người nói: “Ai tin thì được, người ngoại được nhiều vì họ tin tưởng”, nhưng có lẽ điều đó không đúng, mà chúng ta phải nghĩ rằng: Chúa cho điều lạ xảy ra vì tình thương xót của Ngài đối với con cái và vì Ngài muốn dùng điều lạ đó để ban những điều khác tốt đẹp hơn như ơn đức tin, ơn hoán cải. Xem ra như vậy, kẻ đã có niềm tin vào Chúa và Mẹ rồi, khi đi viếng Mẹ để xin ơn lành bệnh thì ít khi được như ý…vì điều đó thực sự không cần thiết, vì Chúa muốn dùng những đau đớn ta đang chịu để thanh luyện con đường thiêng liêng của ta và để ta được nên giống Chúa hơn.

            Trong y học, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: niềm hy vọng lạc quan sẽ giúp cho cơ thể chống lại được bệnh tật và khả năng lành bệnh là rất lớn; trái lại, người bi quan sẽ suy sụp rất nhanh và dường như họ chết vì thất vọng trước khi bệnh tật vùi dập họ. Trong trường hợp ta có bệnh thể lý mà chạy đến xin ‘dấu lạ’ nơi Chúa và Mẹ thì luôn luôn ta phải có tâm tình phó thác ‘nếu đẹp lòng Chúa’, và như vậy nếu ta không được như ý, thì cũng vẫn biết rằng Chúa sẽ ban ơn phần hồn cho ta và Chúa sẽ lo liệu điều tốt nhất cho ta. Nhiều người thấy Chúa bất lực trước những kẻ xấu, Chúa làm thinh trước những sự dữ dồn dập đang lan tràn, Chúa dường như ngủ quên trước những nỗi khổ đau ‘xiết kể’ của kẻ tin … thì họ đâm nghi ngờ và đánh mất niềm tin vào Chúa.

            Lạy Chúa, dầu cho Chúa ‘vô hình’ trên thế gian nầy, dầu cho Chúa chẳng tỏ lộ một ‘dấu lạ’ nào trên dòng đời nổi trôi này… thì con vẫn đặt trọn niềm hy vọng nơi Chúa. Vì con hiểu rằng Giáo hội của Chúa vẫn luôn phải là những nhúm men – hạt muối âm thầm biến cải thế giới này; vì Chúa muốn niềm tin chúng con được trui luyện mới được tinh ròng. Dấu lạ bên ngoài Chúa chỉ ban khi cần thiết, nhưng dấu lạ bên trong thì Chúa vẫn ban dồi dào cho Giáo hội và cho từng người một cách chan chứa: “Phần các con, tuy là ác, mà còn biết lấy của lành cho con; thì huống gì Cha các con trên trời lại không kíp ban Thánh Thần cho kẻ cầu xin Người hay sao?” .

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

VIÊN THUÔC ĐƯỢC BỌC ĐƯỜNG.





            Hầu hết những viên thuốc tây chúng ta uống đều được bọc đường cho dễ uống. Lớp đường mỏng sẽ bao ngoài những hóa chất thường có mùi hăng và vị rất đắng.

            Hơn bao giờ hết, nghệ thuật nầy được xã hội ngày nay áp dụng cách triệt để trong thuật quảng cáo: người ta dùng những mỹ từ để giảm thiểu cái xấu xa cho những dịch vụ mại dâm và giết người. Khi quảng cáo, người ta thường phóng đại sự kỳ diệu của các sản phẩm thực chất rất bình thường. Người ta cũng thường dùng kỹ thuật nầy trong những câu chuyện hằng ngày để dẫn vào một nội dung có tính cách độc hại. Tác hại của những câu chuyện loại nầy thường không phải là nhỏ và cũng rất khó để vạch trần bộ mặt của nó.

            Khi những người bạn gặp nhau, họ thường rỉ tai nhau những chuyện xấu của người khác, nhưng lại được ngụy trang bằng một câu: “Tôi chia sẻ cho bạn câu chuyện nầy để chúng ta cùng thông cảm và cầu nguyện”.
            Chúng ta thường gieo rắc những mê tín dị đoan của người đời bằng những quan niệm về năm hạn thường xui hoặc chết, tuổi con gì đó thì sướng hay khổ. Vô vàn những quan niệm về hên – xui thường được mở đầu bằng câu: ‘người ngoại là họ tin lắm’… Thực chất là người có đạo mà trên miệng lúc nào cũng gieo rắc những câu chuyện  dị đoan thì chính họ cũng tin như người ngoại rồi và những câu chuyện loại nầy thường làm cho niềm tin của anh em đồng đạo bị lung lạc

            Còn đâu nữa những câu Kinh Thánh về Thiên Chúa quan phòng:
“Đừng sợ hỡi đoàn chiên bé nhỏ vì không có sợi tóc nào rơi xuống mà cha các ngươi không biết?”
“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, hãy tin tưởng nơi Ngài và Ngài sẽ ra tay”
“Đừng sợ những kẻ giết được thân xác nhưng không thể làm hại được linh hồn anh em, nhưng hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn vào trong hỏa ngục”
“Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác hãy để Chúa lo”.

Phổ thông trong dân gian người ta thường tin vào chuyện mở hàng buổi sáng, vía của người này người nọ, ngày giờ lo liệu công việc gia đình, năm hạn… Người ta thường tìm đến thầy bói, thầy mo để xem vận mệnh và họ tin tuyệt đối về những ‘lời’ thầy phán. Chính Chúa Giêsu đã lường trước những tình huống nầy nên mới phán: “Liệu khi Con Người đến còn tìm thấy niềm tin trên mặt đất này nữa chăng?”

            Mọi thời và mọi lúc niềm tin của người con Chúa luôn bị thử thách, nhất là trong cơn gian nan và khi gặp ‘họa vô đơn chí’. Những lời ‘mách nước – nói leo’ đến từ những người có thể rất gần gũi và thân cận với ta, chúng làm ta khiếp đảm và nhát sợ. Còn đâu nữa lời Thầy: “Đừng sợ hỡi đoàn chiên bé nhỏ… Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Trong lúc đó, người Kitô hữu còn có bổn phận chiếu tỏa niềm tin của mình cho người khác: “Các con là muối, là ánh sáng cho đời”.

            Cha Cantalamessa thật có lý khi nói rằng: Khi người ta nhân danh tự do để không muốn lệ thuộc vào Thiên Chúa, thì họ lại rơi vào tình trạng sợ và kiêng cữ đủ thứ trên đời, nô lệ cho những vị thần do loài người tạo ra”.

            Chúng ta phải luôn chiến đấu để giữ cho ngọn đèn Đức Tin được cháy sáng luôn trong đời: ‘Dù ai thế nào, riêng gia đình tôi sẽ chọn Chúa là gia nghiệp và phó thác mọi sự trong tay Ngài’. Hãy dùng những con số thống kê để loại trừ những ‘kiểu dị đoan’ làm cho đời ta thêm nặng nề và làm hoen ố hình ảnh người con Chúa. Ví dụ muốn tin vào chuyện mở hàng buổi sáng đúng hay sai, ta hãy ghi chép cẩn thận trong một tháng thì sẽ biết kết quả ngay; hãy tự hỏi: chẳng lẽ hàng mấy trăm ngàn người bị chết trong cơn bão Sumatra đều đến năm hạn cả sao?. Hơn bao giờ hết, đừng để mình trở thành kẻ gieo rắc những kiểu tin nhảm nhí làm hại đến tinh thần anh em, tốt hơn ta nên nói những lời động viên tạo sự can đảm cho mọi người.

            CHÚNG TA VẪN THƯỜNG UỐNG NHỮNG VIÊN THUỐC BỌC ĐƯỜNG ĐỂ CHỮA BỆNH, NHƯNG HÃY CẢNH GIÁC NHỮNG VIÊN THUÔC BỌC ĐƯỜNG TRONG ĐỜI VÀ HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA CỦA MINH.

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

CHỌN LỰA LÀ HY SINH



            
 Khi nói đến sự chọn lựa là ta nói đến có nhiều đối tượng cùng tồn tại và có một sự ‘đồng cân’ nào đó giữa các đối tượng, làm ta phải suy nghĩ và cân đong đo đếm khi buộc phải đưa ra một sự chọn lựa dứt khoát.

            Trong Cựu Ước có 2 câu chuyện nói đến sự chọn lựa dứt khoát nầy. Câu chuyện thứ nhất ở sách Giô-suê 21: 1-2;15-18. Ông Giô-suê triệu tập đại hội ở Sikem để đưa ra một sự chọn lựa giữa Giavê Thiên Chúa và các thần dân địa phương tôn thờ. Thuở ấy, dân Do Thái mới định cư ở đất Canaan được một thời gian, họ đã lãng quên dần những việc kỳ diệu của Chúa khi dẫn đưa họ ra khỏi đất Aicập – nuôi sống họ 40 năm trong sa mạc và đánh đuổi dân bản xứ để họ có đất hứa làm cơ nghiệp; thêm vào đó, khi sống trà trộn với dân đia phương, dân Do Thái bị cám dỗ muốn thờ đa thần, chứ không muốn trung thành mãi với giao ước Sinai nữa. Trong tình cảnh hỗn loạn đó, ông Gio-suê đã triệu tập đại hội toàn dân ở Sikem với hy vọng dân chúng đưa ra một chọn lựa dứt khoát với niềm tin vào một Thiên Chúa hùng mạnh của cha ông. Đại hội đã thành công tốt đẹp, dân chúng thưa: “Không có chuyện chúng tôi bỏ Chúa để chạy theo các thần dân ngoại, chúng tôi sẽ phụng thờ Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi”.

            Câu chuyện thứ 2 được ghi trong sách các vua thứ nhất 18,20… cũng gay cấn không kém, đó là chuyện tiên tri Êlisa thách đấu với 450 tiên tri thần Ba-al. Thuở ấy, sau một thời gian lâu dài định cư lâu dài ở đất hứa, vào thời vua Akhab, dân Do Thái đã dần lãng quên tình Chúa, vua đã cho dựng một bàn thờ kính thần Ba-al – là thần của hoàng hậu Izabel. Vị tiên tri muốn dân quay trở về lại với Chúa, nên đã thách đấu với 450 tư tế Ba-al: trước mặt toàn thể dân chúng, các tư tế Ba-al đã lập một bàn thờ tế lễ, bàn thờ còn lại là của  vị tiên tri. Các tư tế Ba-al đã kêu cầu thần của họ từ sáng tói chiều mà chẳng có gì xảy ra với bàn thờ của họ. Bấy giờ tiên tri Isaia mới kêu cầu Danh Chúa, xin chúa tỏ uy quyền cho dân thấy để họ quay về với Chúa. Ngay lập tức, lửa khói nghi ngút đã thiêu rụi thịt trên bàn thờ và làm khô cả những rãnh nước đổ chung quanh. Ngày hôm ấy, dân Do Thái đã quyết tâm thờ phượng Chúa là Thiên Chúa thật của họ.

            Trong Tin Mừng Gioan 6,6-69 cũng kể lại một sự chọn lựa dứt khoát không kém. Sau khi Chúa Giêsu nói rõ về nguồn gốc Thần linh của mình: “Ta là Bánh hằng sống bởi trời xuống. Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì được sống đời đời”, nhiều người Do Thái đã bỏ Ngài vì họ thấy Lời Chúa quá sống sượng – không nghe nổi, chỉ còn lại một nhóm nhỏ: họ xác tín chỉ có Chúa mới có những lời đem lại sự sống.

            Chúa Giêsu luôn đòi ta phải đưa ra một chọn lựa dứt khoát, Ngài không thích tình trạng nửa vời – hâm hẩm: không nóng cũng không lạnh (Khải Huyền 3,16), chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được. Thật đáng tiếc là ngày nay nhiều người mang danh Kitô nhưng cuộc sống của họ không mấy gắn bó với giáo huấn của Tin Mừng, họ theo chủ thuyết ‘tương đối’ về luân lý, họ áp đặt cái nhìn chủ quan để cắt nghĩa những đòi hỏi của Tin Mừng… thành ra, dù họ vẫn tin Thiên Chúa quyền năng, tin những mầu nhiệm chính trong đạo, nhưng niềm tin của họ bị pha tạp bởi những tôn giáo của đám đông quanh họ, và cuộc sống của họ thì ‘ai sao tôi vậy’. Xem ra, đạo của họ được đóng khung trong nhà thờ, còn cuộc sống ngoài đời thì lại khác.

            Trong bài Tin Mừng Gioan, chúng ta được nghe một lời tuyên tín quá hoàn hảo của Thánh Phêrô: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, chẳng bù lại cho những lúc chính ông Phêrô cũng rất mù mờ về sứ mạng thiên sai của Chúa. Niềm tin của ông Phêrô đã trải qua những lúc đêm tối, đã phải được tinh luyện trong suy tư -cầu nguyện và chính nhờ ‘ơn trên’ soi sáng mới hiểu được những mầu nhiệm Nước Trời. Sách tu đức dạy ta: hãy cất lời ngợi khen Danh Chúa Trời khi cuộc sống đang êm đềm, bù lại cho những lúc cuộc đời chìm trong giông bão, vì lúc đó tâm trí ta có thể bấn loạn khó nhận biết đường lối của Chúa.

            Để có những chọn lựa phù hợp với Tin Mừng, ta phải biết chạy đến với Chúa Giêsu – cầu nguyện và đọc Lời Chúa. Xã hội ngày nay đang bị ‘điên loạn’ vì họ lấy đồng tiền làm thước đo mọi giá trị, vì lấy cái ‘tôi’ làm trọng… nên hễ có một va chạm nào đó thì họ không còn bàn hỏi với linh mục, không chạy đến nhà thờ - thinh lặng cầu nguyện với Chúa và Mẹ, mà họ chạy ngay đến tòa đời, họ cạn tình ráo máng với nhau, họ hành xử theo phán đoán của lương tâm phóng túng.

            Lạy Chúa, Lời Chúa là con dao hai lưỡi sắc bén, nó có sức gọt giũa những điều làm tâm hồn con người thối rữa, nhưng nó có sức đem lại sự sống đời đời cho chúng con.Xin cho con biết yêu mến Lời Chúa - để tâm suy nghĩ và hành xử theo Lời Tin Mừng, biết chọn Chúa làm gia nghiệp vì chỉ có Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Amen.