Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

TÔ MÀU.





            Một trong những yêu cầu của môn toán ở bậc tiểu học là phân biệt các ‘tổ hợp’về nhóm số, nhóm con vật (nuôi trong nhà, động vật hoang, con vật có ích…) các em được yêu cầu tô màu những nhóm được chỉ định. Tôi muốn dùng khái niệm trên để chỉ về một hiện trạng khá trầm trọng trong xã hội ‘đa thông tin’ hôm nay. Hơn bao giờ hết, câu danh ngôn: “Những gì ta biết là vũ khí của ta và những cái ta không biết là khí giới cho người khác” lại rất xác đáng.

            Cách đây vài ba năm (2009), tôi đã gặp một người khá nổi tiếng và tiếng nói của ông khá ảnh hưởng đến nhiều người trong thôn xóm, qua một vài câu trao đổi, người ấy nói với tôi:

-         Anh bạn có đọc những chuyện về chuyến thăm Đất Thánh vừa qua không? Đức Giáo Hoàng phát biểu nhiều vấn đề dễ gây hiểu lầm! Rồi chuyến thăm phi châu, Ngài nói về vấn đề ‘bao cao su’ thật là vô trách nhiệm…

Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe người ấy phát biểu ngược với những điều mình có trong đầu. Tôi trao đổi với ông ta rằng: chuyến thăm Đất Thánh của Đức Thánh Cha có một kết quả tuyệt vời đấy chứ, Ngài cổ võ cho hòa bình giữa 2 dân tộc cùng biết nhìn nhận nhau và biết nghĩ đến nhau, Ngài cổ võ sự hiểu biết lẫn nhau giữa 3 tôn giáo lớn, và tiếng nói của Đức Thánh Cha rất được mọi thành phần đón nhận. Còn chuyến thăm châu Phi thì quan điểm của Ngài cũng rất hợp lý và được nhiều người chấp nhận, Ngài nói: “bao cao su không thể giải quyết được đại dịch AID nếu không thay đổi lối sống: trinh khiết trước khi kết hôn và chung thủy trong hôn nhân, Giáo hội Công Giáo là người tích cực trợ giúp và chăm sóc những bệnh nhân AID ở Châu Phi, hơn nữa trong chuyến thăm đó Đức Giáo Hoàng cổ võ cho sự hòa giải giữa các dân tộc…”.

      Nhưng hình như người ấy không muốn nghe những điều trái ngược với quan niệm có sẵn trong đầu mình…nên tôi đành dừng lại, khuyến khích ông ta nếu có điều kiện thì nên tìm hiểu nhiều nguồn thông tin trên mạng, nếu mình chỉ dựa vào một nguồn thông tin nào đó thì sẽ bị họ ‘lái’ sang một chiều hướng mà tác giả muốn. Điều đáng buồn là nhiều người không có thói quen tìm hiểu các vấn đề thời sự xã hội và Giáo hội dựa trên nhiều nguồn thông tin, mà chỉ quen đọc những bài ‘tổng hợp’ của một vài phương tiện thông tin phổ thông, họ lấy thế làm đủ và tự hào mình biết rõ thời sự hơn ai hết. Thực ra những bài tổng hợp nầy đã được tô màu để bẻ lái quần chúng theo một chiều hướng nào đó. Đây là những gói ‘mì ăn liền’ dễ nuốt nhưng không có nhiều chất dinh dưỡng.

      Ví dụ muốn biết về vụ ông Galileo, chúng ta vào các trang Web và vào Google sẽ rõ. Vậy mà nếu ta không tìm hiểu, có người ‘mách’ cho ta biết: ngày xưa, Giáo hội Công giáo đã kết án ông Galileo, buộc ông ta vào cột rồi thiêu chết… thì ta cũng dễ tin, căm ghét Giáo hội và chính ta lại phao tin nhảm đó cho người khác. Trong thực tế thì ông ta không hề bị giam cầm, đánh đập và giết gì cả, mà chỉ bị buộc phải rút lại lời tuyên bố về thuyết Copernic, ông không chịu, và Giáo Hội ra vạ tuyệt thông cho ông…

      Tôi cũng thấy nhiều tài liệu được photo và phân phát cho nhiều người để phổ biến những  ‘niềm tin khá lạ lùng’, những tài liệu nầy thường nhòe nhoẹt – nên rất khó để tìm hiểu tường tận và thường chẳng có Đấng Bản Quyền nào phê chuẩn cả. Người ta bỏ tiền và công sức phổ biến cho nhiều để chính họ được lãnh ơn xá ... Điều nầy rất nguy hại về phương diện Đức Tin và ảnh hưởng đến ‘cái nhìn’ của xã hội về tôn giáo.

      Sống trong thời đại thông tin, chúng ta phải biết ‘chung sống với lũ, phải biết sàng lọc, phải biết thu góp tài liệu để phòng có khi cần đối chiếu. Đừng cầm dao phía đằng lưỡi trong lúc đưa phần chuôi cho thiên hạ cầm: “Điều ta không biết là vũ khí cho người kia”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét