Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

DÁN NHÃN MÁC





Nhãn mác – mã vạch là những bắt buộc trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, để các nhà chức trách và người tiêu dùng có thể phân biệt được hàng thật – hàng giả, hàng có chất lượng với hàng kém phẩm…Vẫn có những lạm dụng nhằm đánh lừa khi gắn nhãn mác thật vào hàng giả hoặc gắn nhãn giả vào hàng thật. Chuyện đó càng tinh vi hơn khi xảy ra trên lãnh vực nhân văn – nhân phẩm: có những chuyện ‘chụp mũ’ có chủ ý  làm biến dạng khuôn mặt một tập thể hay cá nhân nào đó, thường là theo chiều hướng xấu; và cũng có những nhãn mác thật kêu và thật đẹp dán vào những tập thể rất ‘tầm thường’ để đánh lừa người khác. Đó là hai mặt của tính kiêu ngạo: bêu xấu người khác và tô vẽ mình tốt đẹp lên.

Chuyện cổ tích Việt Nam kể rằng:
Ngày xửa ngày xưa quạ và công là 2 loại rất xấu xí trong các loài chim. Quạ và công bàn với nhau rằng: - Xấu mà làm ra đẹp, cũng được chớ gì! Bây giờ hai chúng ta thử tô điểm vẽ vời lẫn cho nhau xem có đẹp hay không nhé?
Công bằng lòng.
Quạ bèn tô điểm, vẽ vời cho Công trước: cái đuôi Công trở nên lóng lánh, có bao nhiêu màu sắc đẹp, đẹp hơn những giống chim khác rất nhiều.
Đến lượt Công ngồi tô điểm, vẽ vời cho Quạ thì chợt nghe tiếng ríu rít, biết bao nhiêu chim con ở phía đông bay lại. Quạ liền hỏi:
- Các bạn đi đâu mà kéo đàn, kéo lũ như thế?
Đàn chim nói: - Chúng tôi nghe đồn ở dưới phương nam có thật nhiều gạo, nhiều gà và rất nhiều đồ ăn ngon khác... Chúng tôi rủ nhau đi kiếm ăn đây. Anh làm gì đấy... Hay ta cùng đi một thể?
Quạ nghe nói, trong lòng háo hức muốn đi theo đàn chim kia ngay lập tức. Quạ mới nói với Công rằng:
- Bây giờ mà tôi ngồi đợi để cho anh tô điểm vẽ vời, thì chưa biết đến bao giờ mới xong. Thôi, hay sẵn cả đĩa mực đây, anh cứ cầm thế mà đổ lên mình tôi để tôi đi theo bọn kia, kẻo lỡ mất một dịp may kiếm ăn tốt.
Công thấy Quạ bảo thế, chìều ý làm theo, cầm cả đĩa mực dốc vào mình Quạ. Thành bao nhiêu lông cánh của Quạ toàn một màu đen như mực.
Các Thánh Tử đạo khi chết thường bị vu cáo cho những tội đồ ghê tởm để chẳng mấy người thương tiếc; hàng Giáo phẩm thường bị gán cho những tội lỗi đức trong sạch và tham lam quá mức để chẳng mấy người kính trọng; ngày nay đạo Chúa cũng đang bị những ý thức hệ, những đảng phái chính trị, những kẻ có quyền lực, những tôn giáo quá khích và cả những khối đông đảo lương dân chối từ - bách hại và bêu xấu. Người có đạo thường bị chụp mũ bằng những tội được phóng đại rất nhiều lần rằng họ vi phạm pháp luật, cũng ngừa thai và phá thai, cũng trộm cắp và gian dối… họ cũng chẳng tốt hơn ai, thậm chí họ lại còn ‘đen’ hơn cả người ngoại. Thế gian dùng những nhãn mác giả hiệu đó để nhốt ta vào rọ tự ti mặc cảm, để ta không thể phát huy nội lực tâm linh, ta cũng bị chai lỳ trong tội và không dám ngẩng đầu lên để xưng mình là người có đạo. Đây là một mưu đồ của Satan khi chúng dán một nhãn mác ‘đáng xấu hổ’ lên trán người có đạo, để họ bị chao đảo – rơi vào hố thất vọng về tình trạng tội lỗi lan tràn, đến độ không dám hiên ngang sống niềm tin và mở miệng nói về  đạo cho người khác.

Khi người ta định dán cho ta một nhãn mác ‘đen như quạ’ thì chúng ta phải tỉnh táo trả lời với người khủng bố tinh thần ta rằng: “Đạo cũng có người” và cứ hiên ngang tuyên xưng Danh Chúa trước mặt người đời. Đức Phật cũng dạy rằng: “Phá sản lớn nhất của đời người là phiền não và tuyệt vọng – Đáng khâm phục nhất của đời người là ý chí vươn lên” (trích 14 điều Phật dạy) Hãy coi chừng những con số thống kê và những ‘nhãn mác kém phầm’ mà người ta tri hô lên với dụng ý đè bẹp ý chí vươn lên và nỗ lực sống thánh của ta: việc tốt ta làm thì họ không thấy, mà hễ có một việc xấu dù nhỏ thôi là người đời liền thổi phồng lên ngay. Hãy nhớ lại rằng: Mầu nhiệm của Nước Trời luôn là mầu nhiệm của thiểu số (Thẩm phán 7,1-8), của kẻ hèn mọn, của nhúm men trong bột và của hạt cải (Mc 4,20). Nước Trời luôn âm thầm phát triển dù gặp điều kiện giông bão - để rồi thành một cây lớn, vì sức mạnh của Thiên Chúa luôn hiện diện tiềm tàng nơi mỗi phần tử của thân mình Chúa Kitô. Hãy mạnh tin ‘thả lưới chỗ nước sâu’ như là một điều kiện ‘ắt có và đủ’ để Thiên Chúa có thể thực hiện được những việc diệu kỳ trên trần gian nầy. Hãy nghiệm mà xem: biết bao người cả một đời bôn ba tìm kiếm danh lợi thú, sẽ đến một lúc nào đó tự họ tìm đến nương nhờ nơi cửa phật hoặc tìm đến nhà thờ, vì họ cảm thấy thất vọng về sự hư vô của vật chất và sự trống rỗng của tình người.

Thiên Chúa Quan Phòng đã an bài và lo liệu cho vạn vật được vận hành trong trật tự, nhưng Ngài vẫn lo liệu – sắp xếp cho mọi loài được hiện hữu và phát triển qua từng giây phút trong hiện tại. Bởi đó lời Thánh Vịnh phải được ta ca lên mỗi ngày: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại. Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126,3).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét