Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Lỗi tại tôi mọi đàng



Trong pho sách Cựu Ước, đoạn văn được nhiều người biết đến và thường đem ra nghiền ngẫm là Thánh Vịnh 50. Đây là một bài ca sám hối được cho là của vua Đavít sáng tác - dâng lên Chúa tấm lòng tan nát vì đã phạm tội ngoại tình và giết người: “Xin khoan hồng thương con, lạy Chúa. Xóa tội con theo lượng hải hà. Rửa cho sạch hết điều lầm lỗi. Tẩy linh hồn cho khỏi tội khiên… Bởi vì con nhận biết tội mình và lầm lỗi hiện luôn trước mắt…



Đọc lại câu chuyện của vua Đavit, chúng ta cảm thấy ‘rùng mình’, vì nhận ra tội mình là một điều rất khó! Vua Đavit đã vụng trộm với bà Bethsabê, đã lập mưu giết chết tướng Uria, nhưng ông không nhận ra tội. Đến khi tiên tri Nathal vâng lệnh Chúa đến nói chuyện với nhà vua, tiên tri kể câu chuyện: Có một người nhà giàu, chiên cừu hàng vạn, một hôm có khách, đã không bắt chiên mình đãi khách, mà lại bắt con chiên duy nhất của anh hàng xóm để làm thịt. Nghe đến đây, vua Đavit nổi giận, lớn tiếng nói: “Nhân danh Thiên Chúa, kẻ nào làm điều xấu xa đó thì phải chết”. Vị tiên tri mới nói: “người đó là nhà vua đó”. Mãi đến lúc nầy, vua Đavít mới nhận ra tội mình đã phạm và đã ăn năn thống hối.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã nói: “Thảm họa lớn nhất của thời đại hôm nay là người ta đã mất cảm thức về tội”. Quả thật, nhan nhản người Công Giáo làm nhiều chuyện tày trời, nhưng dường như họ cho đó là chuyện bình thường của cuộc sống, họ vẫn an bình và rước lễ thường xuyên… quả là đại họa cho nền luân lý tương đối, tùy hoàn cảnh. Nhiều người mỗi năm xưng tội một lần mà xét mình mãi vẫn không thấy tội để xưng… thật là đáng thương cho một lương tâm chai đá và không nhạy cảm về tội nữa rồi. Một lương tâm nhạy cảm được ví như tấm gương được tráng một lớp sơn phía sau, còn lương tâm chai lỳ thì giống như đã tróc hết lớp sơn đó, nên không phản chiếu được khuôn mặt của Thiên Chúa bị xúc phạm. 


Nhận ra thân phận  trần trụi và khô cằn của chính mình là điều kiện tối cần để ta cất bước trở về nhà Giáo hội – giống như người con thứ trong Tin Mừng Luca 15,17 . Nhưng lòng kiêu ngạo làm ta rất khó nhìn nhận sự yếu hèn của chính mình, chẳng vậy mà nhiều người đã rơi lệ khi chứng kiến các linh mục giáo tỉnh Huế cùng đồng loạt và chân tình thú nhận tội mình đã phạm với Chúa và anh em. Đa số chúng ta giống như người anh cả trong Tin Mừng Luca: chúng ta vẫn ở trong nhà Cha, nhưng lại tự coi mình là đầy tớ đã ‘hầu hạ’ Cha bao năm. Chúng ta ít phạm tội nặng, nhưng muôn vàn tội nhẹ cũng đủ làm cho ta khó nhận ra tình thương Cha dành cho mình và khó nhận ra ‘thằng con của Cha kia’. Có câu chuyện kể rằng: Có 2 người cùng leo núi để gặp một vị ẩn sĩ; một người rất đau khổ vì một tội rất nặng mình đã phạm – vị ẩn sĩ bảo anh ra ngoài khiêng một hòn đá thật lớn vào nhà- và anh ta khệ nệ làm theo; còn một người khác với dáng đi thanh thoát vì anh ta chỉ phạm những lỗi nhẹ- vị ẩn sĩ bảo anh ra ngoài nhặt một nắm những hạt sỏi - và anh ra thực hiện yêu cầu rất thoải mái. Một lát sau, vị ẩn sĩ bảo cả 2 người hãy trả lại chúng đúng vị trí của nó. Lần này tình thế bị đảo ngược: người thứ nhất dễ dàng trả hòn đá lớn vào đúng vị trí ban đầu, còn người kia thì dường như không thể trả các hòn sỏi nhỏ về chỗ cũ. Thế đó, khi ta nghĩ rằng mình chỉ phạm những lỗi nhẹ, nên mình yêu ít và được tha ít, còn kẻ được tha nhiều sẽ yêu mến nhiều hơn.

Hình ảnh người con cả rất đáng cho ta suy nghĩ, vì trước đây anh vẫn chưa hiểu được tình yêu thương Cha dành cho mình, và hôm nay anh cũng không chịu vào nhà để hiệp thông với cả gia đình. Trong bữa tiệc cánh chung, "người ta sẽ từ đông sang tây đến ngồi dự tiệc, còn con cái trong nhà lại bị đuổi ra ngoài". Có câu chuyện kể rằng: Có một người đạo đức nọ chết, ông ta được Thánh Phêrô thả cho một chiếc thang dây để có thể leo lên trời. Thời điểm ông ta chết, cũng có mấy kẻ tội lỗi cũng chết, và họ xin được bám vào chân anh mà lên thiên đàng. Nhưng khi sắp bước vào cổng thiên đàng, người đạo đức kia bỗng nghĩ: "Thật là bất công, nếu những kẻ tội lỗi kia cũng được như mình, uổng công cho mình vì một đời vất vả giữ đạo". Nghĩ thế, anh ta liền lấy hết sức để đạp cái đuôi phía sau mình cho đứt ra. Nhưng vì cú đạp quá mạnh nên chiếc thang dây cũng bị đứt và chính anh ta cũng bị rơi tõm xuống hỏa nguc. 


“Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con” (Thánh Augustinô). Biết Chúa là người cha nhân từ và luôn tôn trọng tự do của con người, nên không thể ngăn cản sự ra đi của người con thứ. Người cha ấy ngày ngày mong mỏi đứa con đi hoang trở về nhà, ông đã vỗ béo một con bê, ông đã sắm sẵn một bộ đồ: áo, nhẫn và dép. Chính những người đầy tớ và người con cả cũng biết rõ những sắm sửa và mục đích của những thứ 'để dành' đó...Vừa trông thấy con từ đàng xa, ông chẳng chờ con mở miệng, ông quên hết cơ nghiệp đã bị nó phá tan, ông chạy tới ôm con và 'hôn lấy hôn để'. Thật là tuyệt vời. ..Và xin cho con biết thân phận yếu hèn của mình, có vậy con mới ‘dễ tính’ với anh em và mới biết cậy dựa vào Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét