Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

THAY ĐỔI





Thay đổi dường như là quy luật của vạn vật: cây cỏ, động vật, và ngay cả vũ trụ cũng không ngừng chuyển động.  Cha Pierre Teilhard de Chardin Charles Robert Darwin đã đưa ra thuyết tiến hóa, như là một lý giải khá hợp lý về nguồn gốc vũ trụ, sự đa dạng của các chủng loài trên trái đất này: vạn vật không ngừng tiến hóa, trong những điều kiện thích hợp thì nảy sinh giống loài mới, những bộ phận nào cần thiết để thích nghi môi trường sống thì phát triển thêm, còn bộ phận nào không sử dụng đến thì tự mất dần đi.

 Sống trong xã hội đương đại, hơn bao giờ hết, sự thay đổi dường như đang trở thành quy luật sống và sinh tồn. ‘Thay đổi –đổi mới’ luôn là chiêu bài được các nhà chính trị đưa ra để nhử mồi cử tri, và ngay trong lãnh vực tâm linh, tín hữu luôn được mời gọi hoán cải – thay đổi cuộc sống cho phù hợp với đạo lý…

Tình hình ‘cải đạo’ ở trên thế giới, nhất là tại Mỹ trở nên càng ngày càng phổ biến hơn, dường như người ta không đặt nặng vấn đề thần học, họ đi nhà thờ hoặc chùa nào cũng được, họ đến với nhà thờ Anh Giáo, hoặc Tin Lành hoặc Công Giáo cũng được, miễn sao phù hợp với sinh hoạt và thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Có người khi trẻ theo đạo khác, tuổi trung niên theo một đạo khác và về già lại thờ thêm một vị thần khác mà lương tâm họ vẫn an bình: trên bàn thờ của họ vẫn có Chúa Mẹ, có thêm tượng Đức Phật mà dường như các vị vẫn vui vẻ ngồi yên bên nhau.

Xáo trộn hơn hết và dường như đã trở thành chuyện bình thường ở Âu-Mỹ (Việt Nam cũng đang theo chân) là chuyện ly dị. Chuyện ly dị, con anh con tôi, kết hôn lần thứ … đang trở thành chuyện  ‘thường ngày’ trên phim ảnh, báo chí và trong đời thường. Người ta bảo: “đàn bà con gái bên Mỹ bây giờ có giá lắm, muốn cặp bồ với ai chồng cũng chẳng làm được gì, sang Mỹ rồi đàn bà Việt Nam (ngay cả người Thượng) đa số bỏ chồng để lấy những người giàu sang”. Nghe câu nói trên, tôi thấy đau lòng, vì dường như người nói muốn diễn tả một thực trạng mà họ cũng đang mơ ước  – đáng tiếc là chưa có điều kiện. ‘Người ấy’ hiểu chữ ‘có giá’ có nghĩa là tự do, có nhân quyền, sống theo sở thích mà vẫn được luật pháp bảo vệ. Còn tôi, tôi lại nghĩ: “không phải có giá mà là hư đốn”. Dầu sao câu chuyện ly dị bên Âu Mỹ còn là chuyện dài nhiều tập, khiến Giáo hội cũng phải ‘đau đầu’. Còn ở Việt Nam, câu chuyện ly dị, kết hôn lần thứ mấy, con ông con bà… cũng đang diễn ra với con số ngày càng lớn.

Trong hiện tình xã hội, tình trạng ‘đứng núi nầy trông núi nọ’ đang trở thành một nghệ thuật để sinh tồn. Người học trường đại học này vẫn phải nghiên cứu tình hình các nghành và trường đại học khác, để nếu được thì thay đồi. Người có bằng cấp ra trường, đi xin việc… nhưng thường họ vẫn phải nghiên cứu và dò hỏi thêm nhiều chỗ để sẵn sàng ‘bay’ nếu chỗ khác ‘ngon’ hơn… Dường như không mấy ai bằng lòng về ngành nghề, công việc và số phận của mình; họ tạo nên một sự ‘bát nháo’ trong sinh hoạt cá nhân cũng như xã hội; họ cho rằng muốn sinh tồn và đi lên thì phải lanh lợi – khôn ngoan và tùy cơ ứng biến mà thay việc… đúng là ‘lương tâm không bằng lương tháng’.

Nhưng để hoàn thành một nghiệp lớn và muốn xây dựng một xã hội ổn định và bền vững, không thể sống chộp giật và thay đổi liên miên nhiều thứ được: nhà ở, nghề nghiệp, tôn giáo, vợ chồng… mà phải có tính kiên định, nhẫn nại và bền chí. Chính sự nhẫn nại chịu dựng và tha thứ cho nhau trong hôn nhân Kitô giáo đã tạo nên hạnh phúc bền bỉ cho đôi bạn, giúp họ vượt qua những va chạm, để đạt tới sự trưởng thành hơn trong nhân cách – đem lại một bầu khí yêu thương, phù hợp cho việc giáo dục con cái thành người. Hãy nghĩ mà xem, những nhà bác học miệt mài nhiều năm trời nơi phòng thí nghiệm, những văn sỹ vật lộn với những tác phẩm văn hoc, những họa sỹ và cả những bác nông phu đều phải lấy cần cù và kiên nhẫn làm kim chỉ nam cho mình. Đời sống đạo không chấp nhận đi hàng hai! Sống đạo là một quyết định của từng cá nhân đối diện với một hồng ân – một tiếng gọi, chứ không phải là sống theo bầy đàn: ai sao tôi vậy. Đạo là sự dấn thân theo một vì sao - đi đến tận chân trời góc bể để tậu cho được viên ngọc quý: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Đức Giêsu Cứu Chúa là cả một kho tàng, đòi ta dấn thân một cách bền bỉ, là một tình yêu độc chiếm. Trong giao ước Sinai, Thiên Chúa đòi buộc dân Do Thái không được thờ thần nào khác ngoài Ngài; tiên tri Hosê cho ta biết: Thiên Chúa chúng ta thờ là một Thiên Chúa hay ghen tuông.

Dù dòng đời trôi nổi
Lòng tôi cứ vững tin
Vào danh Đức Chúa Trời.
Quyết không hề thay đổi.

Lời của Thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai và tôi tin chắc rằng Ngài có đủ quyền năng giữ gìn tôi, mãi cho tới ngày sau cùng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét