Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

LÒNG KHOAN DUNG






Chỉ với 2 chữ thôi, Thánh sử Gioan đã vạch trần một âm mưu của người Do Thái: “Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”. Nếu bị bắt quả tang thì người đàn ông ở đâu? Có lẽ họ đã thả anh ta, còn người phụ nữ thì lại bị hành xử theo pháp luật: ở đây có sự bất công (Ga 8,3).

Cả những người Do Thái (các biệt phái và luật sĩ) và cả Chúa Giêsu đều nhận ra cái bẫy, khi họ đem người phụ nữ này đến và đưa ra câu hỏi: Thầy dạy sao? Nếu Chúa tha thì phạm tội chống lại lề luật và chỉ có chết; nhưng nếu Chúa kết án chị như luật Môisen dạy, thì còn đâu lòng ‘xót thương kẻ tội lỗi’ mà Chúa vẫn hằng rao giảng, và như vậy - giáo lý của Chúa không đáng tin một chút nào.

Đứng trước nhiệt tình muốn kết án và giết chết của họ, Chúa cúi xuống viết trên đất – với dụng ý làm cho tâm hồn họ lắng đọng xuống trước khi được nghe lời phán quyết của Chúa: “Ai trong các ngươi hoàn toàn sạch tội, hãy cầm và ném hòn đá đầu tiên đi”. Trong truyền thống Do Thái, không ai hoàn toàn sạch tội, trừ một mình Thiên Chúa. Lời Chúa nói hôm ấy đã giúp họ trở về nội tâm …và họ, từng người một âm thầm rút lui, không dám kết án người phụ nữ và kết án Chúa Giêsu. Người đàn bà hồi hộp chờ đợi một phán quyết khắc nghiệt của Chúa Giêsu, nhưng Chúa nhẹ nhàng bảo: “Ta không kết án chị đâu, chị hãy về và đừng phạm tội nữa”. Chúa chỉ lên án tội lỗi chứ không lên án người có tội.

Hành trình trở về nội tâm mình là một hành trình dài và khó khăn, nhưng lại là một hành trình cần thiết để ta đi tới tha nhân, chấp nhận – cảm thông và khoan dung với họ… vì ‘nhân vô thập toàn’.  Đức Phaolô VI đã đi những bước hòa giải đầu đến với Do Thái Giáo – tiến trình hòa giải – tha thứ được phát triển mạnh trong thời Đức Gioan – Phaolô II và đang được tiếp tục trong thời Đức Benêdictô XVI. Giáo hội đã chính thức xin lỗi những sai lầm và thiếu sót của mình với nhân loại, có thể là những lỗi lầm trực tiếp hay những  lỗi lầm gián tiếp - trải dài trong cả chiều dài lịch sử, xin lỗi anh em Hồi Giáo và Chính Thống Giáo… và kể từ đó mối giao hảo với các tôn giáo bạn như Do Thái Giáo và Hồi Giáo mỗi ngày một gần gũi hơn - với những cuộc thăm viếng, cầu nguyện, thư từ, cùng nhau cộng tác làm việc chung để bảo vệ môi trường luân lý - xã hội tốt đẹp hơn. Riêng với người anh em Chính Thống Giáo thì viễn tượng hiệp nhất là rất lớn, vì cùng có chung một gia sản đức tin rất gần gũi và cả 2 giáo hội đã có những bước tiến rất đáng kể.  Trong những năem gần đây, Giáo hội đã tiến hành những bước cần thiết để đón nhận huynh đoàn Piô X (Đức Giám Mục Lefebvre khai sinh) vào vòng tay của mình. Và gần đây nhất, Giáo hội đã đón nhận một số giáo phận Anh Giáo hiệp thông với mình mà vẫn giữ một số tập tục của họ như linh mục vẫn có vợ…

Để khởi đầu năm thánh 2010, Giáo hội VN cũng đã chính thức xin lỗi dân tộc vì những bất toàn thiếu sót của mình. Và như một điều tất yếu, để cùng đồng hành với Giáo hội, mỗi tín hữu Việt Nam phải lên đường trở về với nội tâm – để thống hối lỗi lầm với Thiên Chúa và phải biết khoan dung với người khác. Lòng khoan nhượng không nhìn những dị biệt như những cản trở cho việc chung sống hòa bình, nhưng biết nhìn những ‘dị biệt’ đó như là một cơ hội làm cho xã hội thêm phong phú. Lòng khoan nhượng không phân biệt màu da, chủng tộc, trình độ… nhưng mọi người đều được bình đẳng trong sự tôn trọng, tiến thân và sự nghiệp. Trong một cuộc tĩnh tâm nam giới trong một giáo xứ nọ, cha xứ đặt ra câu hỏi: “Các ông nghĩ sao, nếu  vợ của các ông lỗi phạm tội ngoại tình?” Đa số các ông đều nặng lời lên án những người vợ có tính lăng loàn, vì tội này để lại một vết nhơ không thể xóa nhòa – không thể lấy lại tình yêu thuở ban đầu... Cha mới hỏi: “Thế các ông nghĩ sao nếu các ông đi bia ôm?” Họ lặng thinh – suy nghĩ. Thế đó, chúng ta dễ kết án người khác cách nặng nề, nhưng lại không chịu nhận ra lỗi lầm của chính mình.  

Khi phân tích điểm khác giữa tây và ta, có mấy câu vắn gọn khá chính xác như sau:
Người Tây: - Họp bàn thì tranh luận. Họp xong thì thống nhất ý kiến, triển khai thì nhất trí.
Người Việt: - Họp bàn thì nhất trí. Họp xong mới bắt đầu tranh luận, lúc triển khai thì mỗi người mỗi ý !
            Thấy cái điểm không hay của người Việt mình, ta nên tránh bớt đi: Thảo luận khi họp hành, đừng ‘bố láo’ nói sau lưng và đừng phát ngôn bừa bãi – gây chia rẽ khi ở nơi xó xỉnh nào đó. Gia đình tôi có một cháu nhỏ, vì nhỏ nên không phân biết được 2 phạm trù ‘tranh luận’ và ‘cãi nhau’; tôi mới thử cắt nghĩa: tranh luận là có thể nói to tiếng, nhưng nhường nhau nói và nói để hiểu nhau hơn - còn cãi nhau là nói to tiếng, giành nhau nói để giành phần thắng về mình, nên thường sau đó là giận nhau.

Để kết thúc câu chuyện ‘lòng khoan dung’ mà bài Tin Mừng hôm nay đưa ra, có một câu chuyện có thể minh họa phần nào: Có một tên trộm, lại giảo hoạt, bị kết án tử hình trước tòa. Sau khi nghe xong lời kết án, nó bỗng khóc rống lớn như có một điều oan ức nào đó. Nhà vua và các quan đại thần mới hỏi xem nó uất ức điều gì chăng? – Chỉ đợi có thế, nó tâu lên vua: “Tôi có tội  thì phải chịu phạt, điều đó chẳng có gì phải nói, nhưng tôi đang giữ một bí mật của trời đất – nếu tôi chết đi thì biết truyền lại cho ai bây giờ?” –Nhà vua khuyến khích nó nói tiếp, nên nó thưa: “Tôi đang giữ một hạt giống quý, chỉ cần gieo xuống đất thì chỉ một ngày sau nó mọc thành cây lớn và sinh ra loại quả trường sinh… nhưng với điều kiện người gieo nó phải hoàn toàn không có tội”. Nhà vua bèn chỉ định quan nhất phẩm, rồi quan trông coi kho báu của vương quốc… nhưng ai nấy đều từ chối vì ít ra là một lần trong đời họ đã pham tội. Và ngay chính nhà vua cũng không dám gieo hạt, vì thuở thiếu thời cũng đã lấy trộm đồ vật của vua cha. Thấy sự lưỡng lự của nhà vua và các quan đại thần, tên trộm mới lên tiếng: “Các ngài là những bậc quyền cao chức trọng, của cải không thiếu gì mà còn phạm tội này tội nọ thì làm sao lại kết án tử hình cho tôi là một người nghèo, lại chỉ mới ăn trộm có một lần?” Và vì lẽ đó, anh ta được khoan hồng.

Hãy học cùng Chúa Giêsu: chỉ kết án tội, chứ không ‘kết án’ kẻ có tội, vì chính ta cũng mang bản tính yếu đuối - bất toàn và đã nhiều lần được hưởng sự tha thứ của Chúa và anh em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét