Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG CUỘC SỐNG



            Tôi quen một gia đình ở vùng sâu của huyện Lăk trong một đợt đi công tác vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Thuở ấy, đất nước mình còn nghèo đói lắm, phải ăn cả những lát mì và bắp đỏ … hàng vạn thanh niên đổ xô vào rừng sâu để xây dựng những kênh mương và dọn đất chuẩn bị cho những vùng định cư.

            Trong những đợt công tác xã hội, chúng tôi cũng ‘thực tập’ làm tông đồ cách nào đó qua những câu chuyện và tìm cách gặp gỡ những anh em đồng đạo, vì thời giờ thì quá rộng rãi: mỗi đợt công tác thường kéo dài vài ba tháng . Gia đình em Danh tiếp đón chúng tôi thật nồng hậu, như những vị khách quý, như ‘môn đệ’ của Chúa Kitô. Tình cảm nồng ấm đó được biểu hiện qua những chăm chút thức ăn thức uống và sự quấn quýt dành cho các thầy, dầu vậy chúng tôi cũng chẳng ăn nổi những đồ ăn mà họ dọn ra, vì không hợp khẩu vị: họ nào biết đến bột ngọt, rau dưa, gia vị - cuộc sống của họ nghèo cả mặt thiêng liêng và vật chất, thật đáng thương: “Dù nghèo của cải nhưng tình cảm không bao giờ thiếu”.

            Bẵng đi 23 năm kể từ những lần gặp gỡ ấy, chúng tôi mất liên lạc, dù biết rằng từ trong thâm tâm của ai đó, nỗi nhớ vẫn âm ỉ cháy và sẽ bùng phát mãnh liệt khi có tia lửa nhỏ chợt đến. Đầu tháng 10 /2009. tôi đã trở lại vùng đất của ngày xưa ấy và đã tìm lại được những con người vô vàn thương mến. Gặp được họ, tôi khám phá được những điều thật ‘huyền diệu’ rất khó bắt gặp trong đời thường. Tình cảm họ dành cho chúng tôi là vô cùng thân thương của những người đồng đạo và niềm tin của họ thật tinh tuyền trong trắng. Khoảng thời gian xa cách lâu là vậy, nhưng khi gặp lại nhau – chúng tôi tưởng như ‘chưa hề có cuộc chia ly’: vẫn nồng nàn tình người và nồng ấm tình Chúa.

            Đoạn đường từ BMT vào tới Đức Mẹ Giang Sơn là 35 km và từ đó vào tới hồ Lăk (buôn Triết) là 35 km đều đã được rải nhựa và bê tông, đã có điện lưới, tuy cuộc sống của người dân vẫn còn nghèo. Đời sống tôn giáo ở huyện Lăk cũng phần nào được ‘tự do hành đạo’, cũng có vài điểm tụ họp cầu nguyện – vài ba tháng có cha vào dâng lễ - có Mình Thánh Chúa hiện diện với họ.

            Gia đình tôi quen ngày xưa ấy, trước đây chỉ có 3 mẹ con, nay có thêm 4 người cháu: họ vẫn hăng say sống đạo và tin Chúa – dù niềm tin của họ không mấy rõ ràng. Họ chỉ có một cuốn sách đạo, nhưng lại là cuốn sách quý nhất trần gian: Sách Tân Ước. Họ khao khát điều công chính – rất mực và chân thành, nhưng vì không có điều kiện nên họ chỉ biết đọc kinh sáng ở gia đình và kinh tối ở nhà nguyện, giáo dục con cái biết kính thờ Chúa và lịch thiệp với người lớn… Tôi chợt nghĩ chính sự khao khát đó, chính niềm tin sắt đá đã thánh hóa họ, làm cho họ ‘thánh’ hơn những người có điều kiện hành đạo mà lại chẳng mấy khi đến nhà thờ!

            Sở dĩ gia đình ấy còn giữ được đạo, niềm tin còn mãnh liệt là do có một bà mẹ can trường. Bà mẹ ấy tuy không khỏe mạnh để kiếm tiền cho gia đình, nhưng từ bao năm nay, bà vẫn trực tiếp chuyển giao niềm tin cho con và cháu – dù niềm tin của họ chẳng có mấy nền tảng. Người mẹ ấy bản tính tuy hơi cộc cằn, nhưng bù lại thì mọi quyết định và ý muốn của bà được cả gia đình tuân phục

            Gặp lại gia đình ấy, câu hỏi đầu tiên của tôi là ‘gia đình ta còn giữ đạo nữa không?’
-         Dạ có chứ thầy, làm sao mà bỏ Chúa được, bỏ Chúa thì có lẽ thầy buồn lắm!
Tôi yên ủi họ: Thiên Chúa là ‘Đấng Giàu Lòng Xót Thương’, Ngài bỏ qua hết mọi lỗi lầm ta phạm - để luôn yêu thương ta.

Chính những câu chuyện chúng tôi trao đổi và những lá thư của một thời xa xưa ấy đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình này và phần nào đó giúp họ vượt qua những thử thách. Hóa ra tôi đã là một nhịp cầu thông cảm – một mẩu bút chì nhỏ để Chúa vẽ nên bức họa phẩm của Ngài. Đối với những người như họ thì “đức tin là trên hết” và họ cố gắng thể hiện niềm tin thật rõ ràng để lôi kéo những người khác: trong tranh tối tranh sáng của một vùng sâu – vùng xa, họ nguyện ước trở nên những ngọn đèn thức tỉnh lương tâm của anh em mình. Tôi dùng hình ảnh Đức Thánh Cha khuyến khích những người Kitô hữu đang bám trụ tại Đất Thánh là ‘như một dấu chỉ của tình yêu Chúa’- để nói lên niềm cảm mến đối với những người đang bám trụ nơi vùng đất heo hút này.

Tôi trở về nhà trong niềm hân hoan và cảm phục những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện nơi những người tôi thương mến và những anh em đồng đạo còn gặp nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần ở vùng xa. Còn những ‘thành và miền’ được hưởng nhiều ‘phép lạ’ của Chúa – được Chúa ban cho nhiều điều kiện để sống đạo, nếu ta không ăn năn hối cải và chăm lo đàng thiêng liêng…thì coi chừng bị Chúa chúc dữ và sẽ bị Chúa đòi lại nhiều hơn. Như người gieo giống ra đi gieo lúa trên ruộng mình, chúng ta hãy gieo vào lòng nhau những niềm vui – nụ cười, niềm hy vọng và tin tưởng, lẽ sống đẹp. Chúng ta gieo bằng những lời nói trao đổi, bằng cuộc sống và bằng Web nữa… có thể đến một lúc nào đó - hoặc đến mùa gặt mai sau, ta sẽ được thấy những bông hạt mà ta đã cộng tác với Chúa để gieo trồng trong cuộc đời ngắn ngủi nầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét