Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

ĐỜI THƯỜNG






Cuộc đời Kitô hữu được ví như dòng chảy tâm linh và là một cuộc hành trình tiến về cõi vĩnh cửu.  Quanh ta vẫn có những người đồng đạo cùng tiến bước, nhưng tâm tư mỗi người cảm nghiệm về chân lý ở nhiều tầm mức khác nhau. Sự thật là có nhiều người lớn hoặc những em nhỏ không hiểu biết đầy đủ về giáo lý – dẫn đến một số ngộ nhận về đạo:

Câu chuyện thứ nhất. Một người mẹ có nhiều đứa con, có những đứa ngoan hơn và cũng có những đứa dại khờ, làm tiêu tán tài sản gia đình và héo hắt cõi lòng người mẹ. Người mẹ rất mực hiền lành, chỉ nhỏ nhẹ khuyên can con cái và bà rất siêng năng đi lễ - đọc kinh cầu nguyện cho con cái. Một hôm có người nói với bà mẹ: “bớt đi lễ và đọc kinh đi, để có giờ mà dạy con cái”. Dĩ nhiên bà mẹ rất buồn…Đây quả là một bà mẹ đạo đức, tuy chỉ là đạo đức bình dân.
Giải pháp: Sống trên đời, nếu vừa khôn ngoan vừa đạo đức thì rất tốt. Nhưng nếu không tài giỏi và khôn ngoan, thì đạo đức đã là quý lắm rồi và chính Chúa sẽ lo liệu phần còn lại cho người quấy rầy mãi làm Chúa nhức óc. Nếu ta tránh xa Chúa và bỏ nhà thờ là đã sa vào chước ma quỷ, con cái càng nhiều và càng hư thì cha mẹ càng phải đạo đức để xin Chúa cải hóa tâm hồn chúng. Chúng ta rất dễ mang tội báng bổ thần thánh, khi quá bức xúc trước một ai đó làm ta bất bình, ta nói với họ: “Vậy mà ngày nào cũng đi lễ!”

Câu chuyện 2. Có 2 người sống gần nhà nhau, cả 2 gia đình vẫn thường xuyên đến nhà thờ hằng ngày. Bỗng dưng một nhà bỏ đi lễ và đọc kinh hằng ngày, vì anh ta nhận ra: Chúa chỉ nhận lời anh kia, cho anh ta làm ăn giàu có, còn mình Chúa chẳng cho gì cả, nhà nghèo xơ… thôi, cả nhà nghỉ đi lễ, vì Chúa chẳng thương gì nhà mình - xin mãi mà chẳng được.
Giải pháp: Ấn tín bí tích rửa tội cho ta được diễm phúc làm con Chúa. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là tin vào Đức Kitô và dấn bước theo Ngài để cùng được sống lại với Ngài. Nếu ta cho rằng mình đi đạo để được sung túc về của cải và may mắn trên đường đời thì quả là lầm to, Chúa không phải là ông vua ngồi đó để xem ai khéo xin thì được nhiều, ai vụng xin thì được ít. Thực tế thì cả gia đình người nghèo trong câu chuyện trên chẳng siêng năng lao động và cũng chẳng màng đến nhà thờ, dù họ rất rảnh rỗi – họ cứ ngồi mà quan sát người khác và so sánh mình với người khác. Anh ta xin chưa được là vì xin chưa đúng ý Chúa, và nhiều khi Chúa đã mở cho anh những cánh cửa sổ - nhưng mắt anh cứ mải nhìn ra cánh cửa ra vào đang bị đóng.

Câu chuyện 3. Có một bệnh nhân ung thư bệnh viện đã trả về nhà, bà con lối xóm tụ họp để đọc kinh cầu nguyện xin Chúa thêm sức mạnh cho được vui lòng vác thập giá. Có một em nhỏ phát biểu: đã ung thư rồi còn đọc kinh làm gì?
Giải pháp: Cũng như em nhỏ kia, nếu ta cho rằng cầu nguyện là để cho bệnh nhân được khỏe lại, thì có thể việc cầu nguyện là điều vô ích trước một bệnh nhân ung thư. Nhưng ta còn phải cầu nguyện là vì để xin ơn trợ giúp cho bệnh nhân được vững tin, được luôn tín thác vào tình yêu Chúa – ngay trong những gian truân họ đang trải qua, cầu nguyện là để ý Chúa được thể hiện trên cuộc đời nầy, để tạ ơn vì cuộc sống đã qua - dẫu không may, và để phó thác cuộc đời bệnh nhân cũng như thân nhân trong bàn tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Câu chuyện 4. Nhiều người khô khan thường đưa ra lập luận: “có kẻ ít đi nhà thờ, nhưng cuộc sống họ còn tốt hơn những kẻ ngày nào cũng rước lễ” (chữ tốt ở đây hiểu là sống công bình-bác ái).
Giải pháp: Chuyện đó có thể đúng, nhưng chỉ là số nhỏ. Nhưng sự thật là đa số những người ngày ngày chuyên chăm cầu nguyện thường có cuộc sống rất tốt mà ít người nhận ra. Vì nếu không có ơn trợ phù, trong con người chẳng còn chi thanh khiết, và Giáo hội chưa từng phong thánh cho vị nào không có lòng yêu mến bí tích Thánh thể - yêu mến Mẹ Maria và các Thánh, tích cực xây dựng Giáo hội…


Khi nói ra trên giấy, có thể ta thấy những chuyện như trên là rất nhỏ, nhưng những suy nghĩ sai lệch như trên thường len lỏi vào đời thường đã gây nên những rạn nứt đức tin cho nhiều ngươi... ta cần phải giúp cho ai đó hiểu rõ chân lý- khi họ đối diện với những ngộ nhận về giáo lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét