Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

CHỦ NGHĨA MACKENO





Thời gian qua dân cư mạng sôi nổi vì chuyện một em bé 2 tuổi bị xe ôtô cán, nhiều người trông thấy nhưng bỏ mặc, một chiếc xe khác tiếp tục cán qua người, thật may là một người đàn bà đã nâng em dậy và kêu cứu giùm em. Thật là đau lòng cho sự vô tâm của một kiếp người. (http://www.youtube.com/watch?v=MSFTbvsPt2w)

Cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu cũng đã từng kể câu chuyện tương tự (Lc 10,29). Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị đánh nhừ tử, nằm ở vệ đường. Tình cờ một tư tế và thầy Lêvi đi ngang, nhưng họ tránh sang bên mà đi. Một người Samari đi ngang, ông chạnh lòng thương và đã cứu giúp nạn nhân. Khi phân tích đoạn văn nầy, lý do tại sao thầy tư tế và Lêvi đã không dám dừng lại và cứu giúp nạn nhân? – Sợ bị uế tạp chăng? Đúng hơn là vì sợ liên lụy và sợ bọn cướp tấn công, vì đoạn đường nầy vừa khúc khuỷu vừa đèo dốc. Ngoảnh mặt làm ngơ (Mackeno) là thượng sách.

Câu chuyện đau lòng như trên cũng đã từng xảy ra nơi làng quê của tôi. Chuyện xảy ra cho một người dân trong làng, cách đây khoảng 10 năm. Hôm ấy, anh bạn đi dự tiệc về và bị té trên trục đường giao thông liên xã, ngay giữa thanh thiên bạch nhật và trong một khu dân cư… vậy mà anh nằm ở hiện trường hơn 1giờ, chẳng ai đoái hoài, biết bao người quen biết anh đã đi ngang đó, nhưng chẳng ai dừng lại để nhìn xem đó là ai và cứu giúp người bị nạn, vì sợ liên lụy. Khi được đưa đến bệnh viện huyện, anh phải nằm chèo queo ở ngoài thềm khoảng vài giờ, vì không có thân nhân. Khi người nhà biết chuyện và tiến hành nhập viện cấp cứu thì anh đã hôn mê, bỏ phí mất mấy ‘giờ vàng’ sau tai nạn. Hiện nay anh là một người tàn phế. Tưởng chừng như là một câu chuyện giả tưởng phải không các bạn? Chuyện xảy ra đúng như vậy, ngay giữa thời đại văn minh và anh nằm bơ vơ giữa những người bà con thân thuộc của mình!

Nếu có dịp trao đổi với các bác tài xế, ta được biết: nếu gây tai nạn, nếu nạn nhân chết thì đỡ phiền phức hơn là sống, bởi vậy nếu chưa chết hẳn thì nên de lại bồi thêm cú ân huệ cho rảnh nợ đời. Đó là tính toán theo người đời, còn về khía cạnh luân lý thì không như thế: tai nạn xảy ra là ngoai ý muốn nên trách nhiệm luân lý không nặng, nhưng nếu vòng xe lại để cán cho chết luôn – thì đây là hành vi cố ý giết người, rất nặng về luân lý. Đau lòng biết bao khi phải chứng kiến cảnh người thân mình bị xe cán qua 2 lần như thế!

Theo một con số thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 3 triệu ca nạo phá thai, và cũng ngần ấy em bé được sinh ra. Thật không gì nhẫn tâm khi phải chứng kiến những em bé bị cắt thành nhiều mảnh bầm tím khi được ra khỏi lòng mẹ. Còn đâu nữa ‘lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào’, còn đâu nữa ‘Lương y như từ mẫu”, vì bây giờ thai nhi được xem là cục nợ - là kẻ thù mình phải nhanh tay trừ khử, để được một phần thưởng là khỏi phải chịu trách nhiệm về sự buông thả của mình và bác sỹ thì có thêm thu nhập và thành tích. Người ta nhận định ‘tệ nạn phá thai là sự phá sản của lương tâm’, vì tình mẫu tử rất thiêng liêng mà nay cũng không còn – mạng sống con người không được tôn trọng thì sự vô cảm với tha nhân quanh ta là điều tất yếu.

Người ta đề cao nền giáo dục của người Nhật, vì công dân của họ biết nghĩ đến người khác, biết tự trọng, biết tôn trọng công ích. Rất mong mỗi gia đình biết giáo dục các thành viên biết nhường nhịn và tôn trọng nhau, có vậy ‘nó’ mới biết tôn trọng người khác khi ra xã hội và mới hạnh phúc khi lập gia đình hay tu trì. Thật đáng sợ khi xã hội nào đó chỉ sản sinh được một lớp người chỉ biết sống theo chủ nghĩa ‘mackeno’. Biết bao câu chuyện làm xôn xao tâm hồn con người khi nói về lòng biết ơn của một con người cụ thể, hoặc khi xoáy sâu vào sự vô cảm của một ai đó trước một hoàn cảnh thương tâm.  Lòng hào hiệp và sự vô cảm là hai mặt của ‘một đồng tiền’ lương tâm, hãy cảnh giác sự biến thái đạo đức xảy ra ngay trong lòng mình và môi trường sống quanh ta. Đừng để cho chuỗi tình thương ta nhận được từ Đấng Tạo Hóa và từ cuộc đời nầy kết thúc nơi bản thân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét