Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

ĐỜI NGƯỜI VÀ NHỮNG ƯỚC MƠ




Sống lâu trên đời, những bậc cha mẹ và những người giáo dục nhiều khi ngao ngán và khó xử vì những đòi hỏi của con cái, có khi là chính đáng nhưng có khi ta thấy nó quá đáng theo sự đánh giá của chúng ta. Ngay chính nơi bản thân, chúng ta cũng nghiệm ra một điều: cuộc đời chúng ta luôn đầy dẫy những ước mơ, dầu chúng khả thi hay bất khả thi và dù chúng họp lý hay tội lỗi….Chúng ta cũng nghiệm ra rằng trong con người mình, tính nạnh kẹ  và phân bì so đo làm khổ chúng ta nhiều lắm, đúng như ở đâu đó có nói: cái khó nhất là thắng được chính mình .

            Cuộc đời ta trở nên lành thánh hay tội lỗi  cũng có phần đóng góp của những ước muốn. Có thể kể đến trường hợp của vị thánh trẻ, tiến sĩ hội Thánh, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Tuy là một nữ tu sĩ trong dòng kín, thánh nữ ước ao được yêu Chúa thật nhiều dẫu cho có phải vào luyện ngục, Ngài còn ước được làm linh mục để dâng lễ và đi truyền giáo… miễn là cứu được các linh hồn! Chính lòng mến nồng nàn đã hiến thánh cả những hành vi tầm thường nhất của Thánh Nữ để chúng trở nên công trạng trước mặt Thiên Chúa( Hành vi bình thường + lòng mến= công trạng). Còn về ước muốn xấu thì chính Chúa nói : Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội với nó thì đã phạm tội ngoại tình trong lòng// Ai giữ lòng giận ghét anh em mình, thì nó hãy là đồ chúc dữ (ước muốn + đồng tình= tội lỗi).

           
Trẻ nhỏ có những mơ ước nhỏ và chúng đòi hỏi rất mãnh liệt: cái bong bong, cái sung nước, một món đồ nhỏ, bánh kẹo…Tuổi nào cũng có những mơ ước, càng lớn những mơ ước càng lớn  và những mơ ước luôn rất thực với cuộc sống. Ngay khi đã trưởng thành, đã ổn định trong đời sống gia đình, những mơ ước vẫn còn tiếp diễn. Có nhiều mơ ước hướng về tội lỗi, cho thỏa các đam mê: đam mê của con mắt, đam mê của xác thịt và lòng kiêu hãnh về của cải…

            Không ai bằng lòng với số phận mình( Nul ne content de son sort): Đó là lòng người! Sống trong kiếp nhân sinh, chúng ta phải khổ với lòng dục và với tính ích kỷ của chính mình. Người ta thường diễn tả Thiên đàng và Hỏa ngục đều là những bữa tiệc thịnh soạn được dọn ra, với những đôi đũa thật dài: Điểm khác biệt của hỏa ngục là ai nấy đều lo gắp cho mình và kết quả là ai cũng đói; còn ở Thiên Đàng thì thật là vui vẻ và no say vì ai nấy đều biết chăm lo phục vụ cho người khác. Dù đang sống ỏ trần gian, nhưng nếu ta cứ so đo tính toán, nạnh kẹ và sống theo ý riêng mình….. thì đúng là địa ngục trần gian đang hiện hữu trong gia đình và môi trường ta sống. Bởi đó, điều rất khẩn thiết là ta phải lo tập luyện tính quảng đại, sẵn sang phục vụ, biết chấp nhận cái vừa đủ, sống đơn giản… thì dù cảnh đời có ra sao chăng nữa, thì lòng ta vẫn nhẹ nhàng và hạnh phúc,

            Những người đã mệt mỏi vì vật lộn với các đam mê và sự nghiện ngập đã nhận ra rằng: họ không bao giờ no thỏa với các các đam mê, càng ăn lại càng đói và càng phải tăng thêm liều lượng để khỏi bị nhàm chán! .. và trong cơn chán chường đó, nhiều người đã tự kết liễu đời mình vì thấy nó vô nghĩa và vì thấy ghê tởm bản thân mình
.
            Trong Tin mừng, khi nói về tình thương quan phòng của Cha trên trời. Chúa Giêsu đã so sánh: “Ai trong các con có con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Các ngươi tuy là ác mà còn biết lấy ‘của lành’ mà cho con, thì huống hồ là Cha trên trời, Ngài sẽ kíp ban Thánh Thần cho kẻ van xin”. Điều lành ở đây được hiểu là điều mang lại hạnh phúc dài lâu. Có những điều con cái mơ ước cách khổ sở, nài xin cách tha thiết; nhưng nếu ta đáp ứng những ước mơ đó thì chúng vui mừng trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ làm hại chúng. Vậy ta có nên cho không? Điều nầy cần phải khôn ngoan và bình tĩnh. Ví dụ đứa con ước có con dao, nếu cha mẹ đoán trước rằng nó có thể giết người với cái dao đó, thì có nên thỏa mãn yêu cầu của nó không?

            Cuộc đời với muôn cạm bẫy lôi kéo, tự mình phải biết làm chủ bản thân và kiềm chế dục vọng. Cũng giống như cha mẹ không thể xua đuổi hết những người bán rong để con trẻ khỏi đòi mua cái bong bóng và trong Tin Mừng, chính Thiên Chúa vẫn muốn cỏ lùng mọc chung với lúa cho đến mùa gặt.

Cũng thế, khi ta cầu nguyện, dù xác tín lời Chúa: “Hãy xin thì sẽ được”, tại sao ta xin nhiều mà chẳng được bao nhiêu? – Thưa là vì điều xin của ta chưa phù hợp với ý Chúa, chính Chúa sẽ lo liệu ban cho ta điều ‘tốt lành’ thực sự và theo cách của Ngài. Vậy ta cứ xin và cứ tin tưởng, chính Chúa sẽ lo liệu ban cho ta ơn lành.

            Trong giáo dục Kitô giáo, điều rất quan trọng là phải tập cho trẻ biết từ bỏ ý riêng, biết hy sinh, kỷ luật… Điều rõ ràng là những đứa con nhà giàu một phần vì thiếu sự quan tâm của cha mẹ và một phần vì quen đòi gì được nấy nên khi lớn lên dễ thành người hư hỏng, độc đoán, phẫn nộ và tuyệt vọng. Khi đòi hỏi mà không được thỏa mãn, chúng sẽ lồng lên như ngựa chứng và trở nên độc ác với bản thân cũng như đồng loại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét